Xét nghiệm sàng lọc di truyền trước sinh: Những điều cần biết

0

Bài viết được viết bởi TS Huỳnh Minh Tuấn – Trung tâm công nghệ cao Vinmec

Xét nghiệm sàng lọc trước sinh thường được chỉ định cho thai phụ nhằm xác định thai nhi có nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh hay không. Vậy làm xét nghiệm sàng lọc ADN trước sinh là gì và được thực hiện như thế nào?

1. Sàng lọc trước sinh

Thực hiện xét nghiệm trước sinh rất có ích trong việc xác định các lựa chọn khác nhau cho thai kỳ hoặc quản lý thai kỳ đặc biệt và sinh nở để cải thiện triển vọng cho em bé.

Các thai phụ, bất kể tuổi tác, có quyền lựa chọn thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trước sinh. Tuy nhiên, mẹ càng cao tuổi, nguy cơ bé sinh ra có các bất thường về nhiễm sắc thể cũng tăng lên. Vì vậy tuổi của mẹ là nguyên nhân phổ biến nhất của xét nghiệm trước sinh.

Những nguyên nhân căn cứ cho việc chỉ định xét nghiệm trước sinh bao gồm

  • Bệnh sử gia đình hoặc con trước đã có vấn đề di truyền
  • Bố mẹ đã biết bản thân mang gen đặc thù
  • Kết quả siêu âm cho thấy kết quả bất thường
  • Kết quả xét nghiệm tầm soát cho thấy thai kỳ nằm trong nhóm yếu tố nguy cơ cao

Hãy thăm khám và tham vấn ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa để xác định xét nghiệm nào cũng như thời điểm tiến hành xét nghiệm thích hợp.

2. Các xét nghiệm sàng lọc trước sinh

Đầu tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu rối loạn di truyền là gì và ảnh hưởng của các rối loạn này

2.1. Rối loạn di truyền là gì?

Rối loạn di truyền xảy ra khi gen hoặc nhiễm sắc thể bị thay đổi

Rối loạn di truyền xảy ra khi gen nhiễm sắc thể (bệnh học nhiễm sắc thể) hoặc gen (bệnh lý đơn gen) của một người bị thay đổi. Bệnh lý nhiễm sắc thể bao gồm hai dạng chính là rối loạn về số lượng và cấu trúc nhiễm sắc thể. Đột biến lệch bội là tình trạng thừa hoặc thiếu nhiễm sắc thể. Thể tam nhiễm là khi có thừa một nhiễm sắc thể (ví dụ: hội chứng Down hay trisomy 21: 47,XX/XY,+21), còn thể đơn nhiễm là khi bị thiếu một nhiễm sắc thể (ví dụ: hội chứng Turner hay monosomy X: 45,X). Ngoài ra, các bệnh lý di truyền do bất thường về gen như thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm, bệnh u xơ nang, bệnh Tay-Sachs và nhiều bệnh khác.

2.2. Hai loại xét nghiệm di truyền trước sinh chính

Có hai loại xét nghiệm trước sinh để tìm vấn đề rối loạn di truyền chính, bao gồm:

  • Xét nghiệm sàng lọc trước sinh: Những xét nghiệm này sẽ cho bạn biết mức nguy cơ thai nhi mắc một số hội chứng di truyền: bao gồm tam nhiễm nhiễm sắc thể 13, 18, 21 và một số hội chứng di truyền khác
  • Xét nghiệm chẩn đoán trước sinh: Những xét nghiệm này có thể chẩn đoán thai nhi mắc hội chứng di truyền nào với độ chính xác lên tới 99,8%. Các xét nghiệm này được thực hiện trên tế bào lấy từ thai nhi thông qua dịch ối hoặc mẫu sinh thiết gai nhau (CVS).

Tất cả các thai phụ nên được chỉ định thực hiện xét nghiệm sàng lọc trước sinh. Xét nghiệm chẩn đoán được sinh cần được Bác sĩ chuyên ngành tư vấn và chỉ định trong trường hợp cần thiết.

2.3. Xét nghiệm di truyền trước sinh bao gồm những xét nghiệm nào?

Xét nghiệm sàng lọc cho bạn biết nguy cơ bé bị các rối loạn nhất định. Chúng bao gồm xét nghiệm thể mang và xét nghiệm tầm soát di truyền trước sinh:

  • Xét nghiệm thể mang thực hiện trên bố mẹ (hoặc những người đang có ý định làm bố mẹ), sử dụng mẫu máu hoặc mẫu mô quét ở mặt trong má. Những xét nghiệm này nhằm xác định xem một người có mang bản sao của gen đột biến có thể gây ra những rối loạn di truyền hay không. Xét nghiệm thể mang có thể thực hiện trước hay trong thai kì.
  • Xét nghiệm sàng lọc di truyền trước sinh trên mẫu máu của thai phụ và ghi nhận từ siêu âm có thể kiểm tra đột biến lệch bội thai nhi, dị tật não và cột sống hay còn gọi là dị tật ống thần kinh và một số dị tật khác của bụng, tim và các bộ phận trên mặt. Các xét nghiệm này thường được tiến hành thực hiện tầm soát 3 tháng đầu – 3 tháng giữa và trong một số rất ít trường hợp vào 3 tháng cuối. Ngoài ra, một xét nghiệm mới cho sàng lọc không xâm lấn là xét nghiệm ADN tự do ngoại bào.

Siêu âm giúp sàng lọc 60-70% các dị tật lớn về hình thái và cấu trúc của thai nhi, ví dụ khoảng sáng sau gáy, dị tật não, cột sống, hệ tim mạch và các dị tật khác. Sàng lọc hóa sinh huyết thanh giúp sàng lọc nguy cơ tam nhiễm nhiễm sắc thể 13, 18, 21 và dị tật ống thần kinh.

Mỗi giai đoạn của thai kỳ đều mang đặc điểm riêng và cần áp dụng các xét nghiệm đặc thù, phần dưới đây đi vào phân tích cơ chế và tác dụng của các xét nghiệm theo từng thời kỳ.

Xét nghiệm sàng lọc di truyền trước sinh

2.4. Tầm soát dị tật thai nhi 3 tháng đầu?

Tầm soát dị tật thai nhi 3 tháng đầu bao gồm xét nghiệm máu của thai phụ và siêu âm tầm soát. Cả hai xét nghiệm này được thực hiện cùng lúc và trong khoảng thời gian từ 10-13 tuần của thai kỳ.

Xét nghiệm Double test xác định nồng độ 2 chất trong máu của mẹ do thai nhi tiết ra

  • PAPP-A (PAA): Một loại glycoprotein sản xuất từ nhau thai
  • β-hCG tự do (FBC): Một thành phần trong cấu trúc của hCG (human chorionic gonadotropin).

Siêu âm tầm soát, còn gọi là siêu âm đo độ mờ da gáy, đo độ dày của vùng sau gáy thai nhi. Kết quả đo bất thường cho thấy nguy cơ mắc hội chứng Down hoặc các tình trạng đột biến lệch bội khác tăng lên. Nó cũng được cho là có liên quan đến các dị tật hình thái của tim, thành bụng và khung xương.

2.5. Xét nghiệm tầm soát 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ

Xét nghiệm tầm soát 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ bao gồm:

Xét nghiệm Triple test xác định nồng độ của 3 chất khác trong máu mẹ cũng do thai nhi tiết ra, bao gồm:

  • AFP (Alpha-fetoprotein): Một loại glycoprotein có nguồn gốc từ bào thai.
  • uE3 (Unconjugated estriol): Xuất hiện vào ngày thứ 8 của thai nhi.
  • β hCG (Beta human Chorionic Gonadotropin): Một loại steroid do nhau thai sản xuất. Triple test tầm soát hội chứng Down, Tam nhiễm 18 và dị tật ống thần kinh. Xét nghiệm này được thực hiện từ tuần thai thứ 15 đến tuần thai 22, chính xác nhất là vào tuần thứ 16 – 18.

Siêu âm tầm soát từ tuần 18-20 của thai kỳ kiểm tra các dị tật hình thái chính của não bộ và cột sống, các bộ phận trên mặt, bụng, tim và các chi.

Trăn trở về thủ thuật chọc ối nguy hiểm có thể tiềm ẩn nguy cơ sảy thai và các biến chứng cho mẹ và thai nhi, Giáo sư Yuk Ming Dennis Lo đã phát triển phương pháp thử máu xét nghiệm hội chứng di truyền trước sinh qua ADN của thai nhi trong huyết tương mẹ, hay chính là xét nghiệm ADN tự do ngoại bào.

2.6. Xét nghiệm ADN tự do ngoại bào là gì?

ADN tự do ngoại bào là một lượng nhỏ ADN được giải phóng từ nhau thai vào máu của người phụ nữ mang thai. ADN tự do ngoại bào trong mẫu máu của thai phụ có thể sàng lọc hội chứng Down, Tam nhiễm 13, Tam nhiễm 18 và các vấn đề về số lượng nhiễm sắc thể giới tính. Thử nghiệm này có thể được thực hiện bắt đầu từ tuần thứ 10 của thai kỳ. Kết quả xét nghiệm ADN tự do ngoại bào dương tính phải được theo dõi bằng xét nghiệm chẩn đoán xâm lấn như chọc ối hoặc sinh thiết gai nhau.

Xét nghiệm ADN ngoại bào thường được chỉ định cho các thai phụ có nguy cơ con sinh ra bị rối loạn nhiễm sắc thể cao. Đối với các trường hợp nguy cơ thấp, các xét nghiệm tầm soát thông thường là lựa chọn thích hợp nhất. ADN tự do ngoại bào không được khuyến cáo cho các thai phụ đa thai.

Gần đây, với công nghệ tiên tiến và nhiều ưu thế vượt trội, phương pháp sàng lọc trước sinh không xâm lấn NIPT (Non-invasive Prenatal Test) đang được coi là “chìa khóa vàng” trong việc sàng lọc trước sinh.

3. Xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn NIPT

Sàng lọc trước sinh không xâm lấn NIPT

Trong suốt thai kỳ, một số chuỗi ADN của em bé được phóng thích vào máu của người mẹ. Sàng lọc trước sinh không xâm lấn NIPT phân tích thông tin trong chuỗi ADN tìm được để tầm soát một số các bất thường. Xét nghiệm này có độ nhạy rất cao với hội chứng Down và có thể thực hiện từ tuần thai thứ 10.

Xét nghiệm NIPT có tác dụng gì?

Đây là phương pháp an toàn và hiệu quả để tầm soát các bệnh sau:

  • Hội chứng Down (Còn được gọi là Tam nhiễm 21)
  • Hội chứng Edwards (Tam nhiễm 18)
  • Hội chứng Patau (Tam nhiễm 13)
  • Các hội chứng bất thường số lượng nhiễm sắc thể giới tính như hội chứng Turner (45, XO), siêu nữ (47,XXX), Klinefelter (47,XXY), Jacobs (XYY)

Xét nghiệm này giúp sàng lọc một số bất thường số lượng nhiễm sắc thể, tuy nhiên không giúp sàng lọc các hội chứng di truyền liên quan đến đột biến gen ví dụ: tan máu bẩm sinh thalassemia, thiếu máu hồng cầu hình liềm, bệnh xơ nang, vv… Chẩn đoán trước sinh dựa trên dịch ối hoặc mẫu gai nhau vẫn là tiêu chuẩn vàng với độ chính xác cao hơn và độ phủ rộng hơn trong việc chẩn đoán bệnh tật di truyền trước sinh.

Bạn nên chọn NIPT trong trường hợp:

  • Bạn có các xét nghiệm sàng lọc trước sinh: siêu âm, test kết hợp cho kết quả nguy cơ cao
  • Bạn không có kết quả xét nghiệm tầm soát 3 tháng đầu do trễ thời gian hoặc nơi bạn ở không có xét nghiệm này
  • Bạn muốn chắc chắn bạn có nguy cơ cao trước khi thực hiện xét nghiệm chẩn đoán xâm lấn như chọc ối hoặc sinh thiết gai nhau, vốn vẫn có nguy cơ thấp gây sảy thai.
  • Bạn có nguy cơ cao (ví dụ như thai phụ cao tuổi hoặc em bé trước đã được chẩn đoán Down hoặc các bệnh rối loạn nhiễm sắc thể khác)

Kỹ thuật sàng lọc trước sinh không xâm lấn NIPT đang được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, mang lại cải thiện vượt trội về kết quả sàng lọc trước sinh, chất lượng dịch vụ cao theo tiêu chuẩn khuyến cáo của ILLUMINA giúp can thiệp sớm và hiệu quả với những thai nhi có dị tật. Phương pháp sàng lọc trước sinh không xâm lấn (NIPT) được coi là “chìa khóa” để “giải mã” dị tật thai nhi từ lúc tuổi thai còn rất nhỏ.