Cẩn trọng khi xét nghiệm ADN xác định loạn luân

2

Xét nghiệm ADN huyết thống trong trường hợp có dấu hiệu loạn luân cần phải làm hết sức cẩn thận, yêu cầu cao hơn so với mối quan hệ bình thường.

 Độc giả đang rất quan tâm đến câu chuyện của Tâm, cô gái tố cáo bị cha ruột xâm hại và sinh ra một bé gái. Đặc biệt là có nhiều câu hỏi xung quanh việc xét nghiệm ADN để xác minh sự thật. Tôi cũng làm việc trong lĩnh vực này và qua đây cũng muốn đóng góp ý kiến để làm rõ vấn đề.

Cần phải khẳng định rằng: xét nghiệm ADN huyết thống trong trường hợp có dấu hiệu loạn luân cần phải làm hết sức cẩn thận, yêu cầu cao hơn so với mối quan hệ bình thường. Ở đây, tôi chỉ đi thẳng vào vấn đề chính và phân tích các trường hợp có thể xảy ra.

– Đặt cách gọi các cá nhân liên quan: Ông ngoại – bà ngoại – Tâm – cháu ngoại (con gái của Tâm).
– Xét nghiệm (XN) 1: Ông ngoại – bà ngoại – Tâm, nhằm mục đích xác định xem Tâm có phải là con ruột của “ông ngoại” hay không. Việc này rất quan trọng trong việc xác định có sự loạn luân hay không ở xét nghiệm thứ 2 sau đây.
– Xét nghiệm 2: Ông ngoại – Tâm – cháu ngoại: nhằm mục đích xác định cháu ngoại có phải con của ông ngoại hay không.

* Phân tích:

– Vì tính chất phức tạp của vụ án, nên trong cả 2 xét nghiệm ở trên đều cần phải có mẫu người mẹ tham gia vào xét nghiệm (ở XN 1 là bà ngoại, XN 2 là Tâm): mục đích là để tăng độ tin cậy và xác định không có sự “nhầm con”, con nuôi… đặc biệt trong trường hợp thực sự là loạn luân thì việc có thêm mẫu người mẹ trong xét nghiệm là cực kỳ quan trọng.

– Giả sử kết quả của XN 1:

+ Nếu kết quả của XN 1: ông ngoại không phải là cha ruột của Tâm, thì vụ án lại không phải là loạn luân. Việc tiến hành XN 2 là bình thường.

+ Nếu kết quả của XN 1 cho biết ông ngoại là cha ruột của Tâm, thì nên xem xét kỹ khi tiến hành XN2.

– XN 2 trong trường hợp ông ngoại là cha ruột của Tâm có một số khuyến cáo đối với cơ quan phân tích như sau:

+ Phải làm xét nghiệm đầy đủ 3 cá nhân: ông ngoại – Tâm – cháu ngoại. Mục đích là để loại trừ kiểu gen người mẹ cho người con, rồi từ đó xem xét kiểu gen của người cha cho người con và tính xác suất là cha con giữa hai người. Trong giao phối cận huyết thì các cá nhân có kiểu gene tương đồng cao hơn.

+ Nên làm một số lượng lớn Locus hơn so với bình thường. Hiện nay, ở Việt Nam thường dùng bộ kít 16 loci của PowerPlex hoặc Identifiler, nếu kết hợp cả 2 bộ kít này thì sẽ nâng tổng số locus được phân tích lên 18 (vì 2 bộ kít này chỉ khác nhau 2 loci). Nhưng tốt nhất là nên làm đến 25 loci.

Độc giả yên tâm là khoa học hiện nay có thể giải quyết tốt vụ án này. Tuy nhiên, cũng phải căn cứ vào các kết quả phân tích thực tế để xem có những vấn đề đặc biệt xảy ra hay không (có đột biến, null PCR…).

Ths Nguyễn Thị Hoài