Xét nghiệm ADN giúp làm sáng tỏ bí ẩn về người tuyết

0

Trên một ngọn núi hẻo lánh thuộc dãy Himalaya có một ngôi đền của tín đồ Phật giáo Pangboche. Trong những ngày bão tuyết, lữ khách chỉ có thể tìm thấy ngôi đền bằng cách lắng nghe tiếng chuông vang lên từ buổi cầu kinh. Ngôi đền được trang hoàng với những bức họa theo phong cách cổ truyền của người Nepal mô tả cảnh tội đồ phải chịu hình phạt kinh khủng ở địa ngục… Trong số các bích họa đó có 1 bức vẽ sinh vật huyền thoại giống khỉ đột mà chúng ta vẫn thường gọi là Yeti (hay Người Tuyết).

Bức vẽ này trông có vẻ hoang đường nhưng bạn sẽ nghĩ khác khi nhìn thấy một cánh tay (kích thước cỡ người lớn) với những ngón tay to mập, dài và móng cong được trưng bày tại ngôi đền – và luôn được gìn giữ cẩn thận bởi các thầy tu, vì họ tin rằng nó bảo vệ họ khỏi điều xấu. Còn trong bộ sưu tập di cốt người và động vật linh trưởng tại Trường đại học Phẫu thuật Hoàng gia Anh ở London có một ngón tay khô quắt với chú thích: “Ngón tay người tuyết từ cánh tay Pangboche”.

Câu chuyện đằng sau ngón tay này là sao và làm thế nào nó đến được London? Phần còn lại của “cánh tay Pangboche” ở đâu? Và sự thật đằng sau tấm nhãn khẳng định ngón tay đó thuộc về người tuyết trong truyền thuyết cổ xưa là gì?

Theo truyền thuyết, Yeti – còn gọi là Người Tuyết – là một sinh vật khổng lồ sống ở vùng núi Himalaya thuộc Nepal và Tây Tạng, nơi vô số câu chuyện về Yeti được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhiều di vật hóa thạch, được phát hiện trong khu vực này cho thấy có niên đại từ kỷ Pleistocene (khoảng 2,5 triệu năm tới 11.700 năm trước), có xương của một sinh vật gọi là Gigantopithecus (khỉ khổng lồ hình người) đã tuyệt chủng từ 300.000 năm trước. Loài linh trưởng này cao hơn 3m và trọng lượng khoảng nửa tấn. Có nhiều khả năng sinh vật này sống cùng với tổ tiên loài người ở vùng đất mà ngày nay là Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.

Cho đến nay, cộng đồng khoa học thường gọi loài linh trưởng này đơn giản là khỉ khổng lồ hình người đã tuyệt chủng – còn Người Tuyết thì không gì khác hơn là truyền thuyết. Câu chuyện về Meh-te (Người Tuyết theo tiếng địa phương) bắt đầu nổi tiếng ở phương Tây từ thập niên 30 của thế kỷ XIX khi Tạp chí châu Á của tỉnh Bengal (đông bắc Ấn Độ) đăng bài của nhà Đông phương học B.H.Hodgson – trong đó mô tả một sinh vật cao lớn có 2 chân, người phủ đầy lông màu sẫm mà ông đã nhìn thấy trong chuyến thám hiểm Nepal. Những bài báo về sinh vật này càng phổ biến hơn vào thế kỷ XX khi người phương Tây bắt đầu thám hiểm vùng Himalaya và công bố về việc phát hiện những dấu chân lạ hoặc sinh vật kỳ bí.

Năm 1925, một nhà nhiếp ảnh thuộc Hội Địa lý Hoàng gia Anh báo cáo tận mắt nhìn thấy một sinh vật ở gần Zemu, sông băng lớn nhất thế giới ở Ấn Độ. N.A.Tombazi ghi chép rằng: “Không thể nghi ngờ được, sinh vật đó có bề ngoài giống hệt con người, dáng đi thẳng và thỉnh thoảng dừng lại để nhổ mấy bụi đỗ quyên”. Ông Tombazi còn ghi chú: Dấu chân của sinh vật này tương tự dấu chân người, chỉ khác là rất lớn (dài hơn 17cm, rộng hơn 10cm).

Năm 1952, tờ Daily Mail (Anh) tài trợ một cuộc thám hiểm để tìm hiểu thêm về Yeti. Trong chuyến thám hiểm, nhà leo núi John Angelo Jackson đã phát hiện và chụp ảnh nhiều dấu chân – trong đó có một số dấu chân rất lớn và không thuộc loài vật nào từng biết tới. Sau đó, tờ Daily Mail đăng một bài mô tả về mẫu vật mà nhóm thám hiểm tìm được là nhúm lông màu đen và nâu sẫm từ cái gọi là da đầu của Yeti tại ngôi đền Pangboche.

Năm 1953, Hầu tước Edmund Hillary và Sherpa Tenzing Norgay báo cáo đã trông thấy nhiều dấu chân khổng lồ trong chuyến leo núi lên đỉnh Everest. Tuy vậy, ông Hillary là người hoài nghi về Yeti.

Năm 1974, nhiều báo cáo về Yeti tấn công phụ nữ ở Tây Tạng lan tới nước Anh. Điển hình là vụ Lap Kadoma bị một sinh vật to lớn thình lình xuất hiện từ sau lưng túm lấy và ném xuống sông, khi định thần, chị này thấy nhiều con bò nằm chết gần đó. Vết thương của chị này không giống như bị gây ra bởi báo hay gấu – trên xác lũ bò có nhiều dấu răng và thịt của chúng cũng bị ăn khá nhiều.

Năm 1957, Tom Slick – một nhà tư bản dầu mỏ giàu có người Mỹ – tài trợ nhiều chuyến thám hiểm để tìm hiểu về Yeti. Ông này bị ám ảnh sau khi nghe về Yeti trong những chuyến đi làm ăn tới Ấn Độ.

Sau đó một năm, nhà thám hiểm người Mỹ gốc Ireland Peter Byrne (được Slick tài trợ) nghe người Tây Tạng nói tới từ “Meh-te”. Peter Byrne tìm hiểu và được biết về cánh tay của Yeti được bảo quản ở đền Pangboche. Sau nhiều ngày đi bộ qua những con đường nguy hiểm với nhiều trận tuyết lở, cuối cùng Peter Byrne cũng đến được ngôi đền. Ông được mấy nhà sư dẫn đến căn phòng cất giữ cánh tay Pangboche. Byrne cho biết: “Cánh tay được bao phủ bởi lớp lông dày màu nâu sẫm, bên dưới là lớp da cứng bị rách vài chỗ”. Byrne cho người vượt qua biên giới Ấn Độ để báo tin cho Slick về phát hiện này.

3 ngày sau, Byrne nhận được điện tín của Slick chỉ thị hãy đưa cánh tay về London. Nhưng các nhà sư không cho Byrne lấy vật linh thiêng của họ với giải thích rằng, nếu làm vậy thì ngôi đền sẽ chịu tai họa ghê gớm. Cuối cùng, Slick gọi Byrne về London để gặp Giáo sư William Osman Hill, nhà linh trưởng học nổi tiếng thế giới thời ấy.

Giáo sư Osman Hill nói với Byrne rằng, ông cần phải có ít nhất một ngón tay từ cánh tay đó để làm phân tích khoa học. Họ bày mưu tráo ngón tay đó với ngón tay người – việc này không khó với Giáo sư Osman Hill vì ông có liên hệ mật thiết với Trường đại học Phẫu thuật Hoàng gia Anh. Byrne trở lại ngôi đền.

Ban đầu, các nhà sư cự tuyệt đề nghị của Byrne, tuy nhiên, cuối cùng họ cũng đồng ý với giá 100 bảng Anh với điều kiện Byrne có cách ngụy trang ngón tay người trông giống như ngón tay trên cánh tay của Yeti. Byrne gắn ngón tay người vào thánh tích của đền Pangboche trước khi sơn phết nó bằng idodine cho giống màu sắc với các ngón còn lại trên cánh tay.

Ngón tay của Người Tuyết được trưng bày tại Trường đại học Phẫu thuật Hoàng gia Anh.

Tiếp theo là hành trình đầy gian nan của Byrne. Ông ta phải cuốc bộ qua biên giới Ấn Độ với ngón tay của Yeti. Thách thức tiếp theo là làm sao bí mật đưa nó về London mà không bị giới chức sở tại phát hiện. Slick có một giải pháp. Một người bạn đi săn bắn của ông này hiện đang đi nghỉ ở Ấn Độ có thể trợ giúp Byrne. Người này – chính là ngôi sao điện ảnh Jimmy Stewart – rất vui vẻ nhận lời giúp Byrne. Để qua mặt hải quan, Gloria (vợ của Stewart) đã giấu ngón tay Yeti trong valy đồ lót và họ rời Ấn Độ trót lọt.

Trở về London, ngón tay được chuyển cho Giáo sư Osman Hill để làm kiểm tra. Sau các xét nghiệm – liên quan tới việc so sánh với tay người – họ kết luận rằng ngón tay này không phải của con người. Sau đó, câu chuyện về ngón tay Yeti đi vào lãng quên, không ai nghe tin gì về nó suốt nhiều năm mặc dù có tin Giáo sư Osman Hill đã tặng ngón tay lại cho Viện Bảo tàng Hunterian. Không ai biết lý do vì sao trải qua bao nhiêu nỗ lực giành được ngón tay và đưa về London để rồi bị quên lãng trong Viện bảo tàng.

Khám phá về ngón tay này tại Trường đại học Phẫu thuật Hoàng gia Anh là một bất ngờ khi Matthew Hill (ký giả người Anh) đi tham quan. Matthew Hill đã lần ra được Peter Byrne (nay đã 85 tuổi) và đưa ông này tới Viện bảo tàng. Sau khi xem xét tỉ mỉ, Byrne xác nhận đó là ngón tay mà ông đã mạo hiểm đưa về. Trường đại học Phẫu thuật Hoàng gia Anh đã nhận lời phân tích ngón tay bằng xét nghiệm ADN. Việc kiểm tra sẽ được giám sát bởi Hội Động vật học Hoàng gia Scotland và kết quả sẽ được công bố trên bản tin đặc biệt Radio 4 của Hãng tin BBC Natural History.

Theo Tiến sĩ Rob Jones, nhà khoa học hàng đầu tại Hội Động vật học Scotland, ngón tay này là của người hoặc có nguồn gốc từ con người. Ông này cho biết: “Qua phân tích cho thấy nó có chuỗi tham chiếu rất giống với cơ sở dữ liệu ADN của con người, đặc biệt là chuỗi ADN của con người hiện tại đang sống ở Trung Quốc và một số vùng khác ở châu Á. Tuy nhiên, chúng tôi chưa đủ cơ sở để xác định chủng tộc”.

Kết luận thú vị này gợi ý rằng cánh tay Pangboche thuộc về một anh chàng rất to lớn, nhưng nếu các nhà sư nói thật về nguồn gốc của ngón tay đó thì kết quả ADN sẽ dấy lên nhiều nghi vấn về nguồn gốc của Yeti