GS Lê Đình Lương,Trung tâm Công nghệ Sinh học – ĐHQG Hà Nội, giải đáp câu hỏi của bạn đọc quanh việc lấy mẫu để xác định quan hệ huyết thống bằng kỹ thuật PCR
Ngoài kỹ thuật PCR, còn có kỹ thuật nào khác để xét nghiệm quan hệ huyết thống? Kỹ thuật nào được xem là ưu việt nhất, cỡ 99,9% trở lên? (Phan Xuân Mai – Bảo Lộc, Lâm Đồng, huynhtonhu@…, ngcuong_gv@…)
GS Lê Đình Lương: Hiện nay không có phương pháp xét nghiệm hiện đại và chính xác nào mà không dùng kỹ thuật nhân ADN bằng PCR.
Theo tôi biết, một số nước trên thế giới đã có thể nhân khá nhiều đoạn gien trên cơ thể. Phòng thí nghiệm của GS Lương có nghiên cứu vấn đề này không và đã nhân đến đoạn gien số mấy ạ? ( av_hacking84@…)
Địa chỉ liên lạc: Phòng Di truyền Phân tử, Trung tâm Công nghệ Sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội, Tầng 4, nhà E2, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại: (04) 7540602
Hiện nay, để xác định huyết thống, thế giới thường dùng từ 8-14 gien. Phòng thí nghiệm của chúng tôi đã đưa vào ứng dụng thường xuyên hàng ngày 13 gien. Trong tháng 7 này, chúng tôi sẽ đưa thêm vào xét nghiệm tám gien nữa, nâng tổng số lên 21 gien. Vì với mỗi trường hợp cụ thể, cần sử dụng những gien khác nhau và với mỗi trường hợp chỉ dùng từ 8-14 gien là đủ.
Xin nói thêm là để xác định tần số alen (gien đa hình), thế giới thường chỉ dùng tới số mẫu là 200 cho mỗi gien là đủ. Ở đây, có trường hợp đã dùng đến trên 700 mẫu. Tần số này khác nhau ở các dân tộc khác nhau. Vì vậy, xác định chúng là rất cần thiết cho thực tiễn xác định độ chính xác với mỗi trường hợp cụ thể ở người Việt Nam.
Giáo sư có thể kể qua về cách lấy mẫu xét nghiệm ADN? (Tô Kim, Hải Châu – Đà Nẵng)
Trước hết, người yêu cầu xét nghiệm phải điền đầy đủ các thông tin vào đơn xin xét nghiệm ADN, không bỏ sót mục nào. Có thể lấy mẫu tế bào niêm mạc miệng, nước súc miệng và nhiều sinh phẩm khác (với những mẫu này, phải đến phòng thí nghiệm để được hướng dẫn cụ thể).
● Cách thu thập mẫu ADN bằng tăm bông: Điền họ tên đầy đủ của từng người vào từng phong bì. Người yêu cầu xét nghiệm phải điền đầy đủ thông tin vào bản cam đoan và ký tên. Việc lấy mẫu cần thực hiện thật cẩn thận để thu được đủ mẫu và đảm bảo độ tin cậy của mẫu. Nếu lấy không đủ, không đúng thì sẽ phải lấy lại, mất thời gian và tăng chi phí. Mẫu lấy ở đây không phải là nước bọt mà là các tế bào má từ bên trong miệng. Mỗi người tự lấy mẫu của mình như sau:
à Xúc miệng bằng nước sôi để nguội cho thật sạch, khoảng mười lần.
à Lấy một que tăm bông trong phong bì có tên mình, không chạm tay vào đầu có bông. Há rộng miệng, đưa đầu bông vào phía trong má rồi chà xát đầu bông vào thành má lên xuống tối thiểu mười lần, vừa chà xát, vừa xoay tròn đầu tăm bông để toàn bộ các mặt của đầu tăm được thấm tế bào má.
à Lấy xong que thứ nhất, đưa trả lại ngay vào phong bì mà bạn vừa lấy ra.
à Lặp lại như thế với ba que tăm còn lại (nên nhớ là có bốn que thì hai que lấy tế bào má bên trái, hai que lấy tế bào má bên phải).
à Với trường hợp trẻ còn nhỏ, không tự lấy được thì người lớn lấy hộ. Lưu ý: Không nói chuyện khi lấy mẫu, để tránh bắn… nước bọt của mình vào mẫu của trẻ.
à Dán kín các phong bì đã có mẫu. Cho các phong bì chứa mẫu cùng với bản cam đoan vào phong bì lớn đã ghi sẵn địa chỉ của Phòng Phân tích rồi dán lại. Khi hoàn tất mọi việc, nên đem gửi mẫu đi xét nghiệm ngay. Nếu vì lý do nào đó không gửi ngay được thì bảo quản mẫu ở nơi khô ráo, sạch sẽ ở nhiệt độ bình thường (khoảng 250C).
● Việc lấy mẫu máu khô sẽ do y tá thực hiện, theo tiến trình sau:
à Chuẩn bị một miếng vải bông trắng sạch (mới), kích thước khoảng 3×3 cm. Viết tên người cho mẫu vào mép miếng vải trước khi lấy mẫu.
à Dùng cồn và bông lau sạch đầu ngón tay. Dùng kim chích máu chích vào đầu ngón tay. Nhỏ ba – bốn giọt máu thấm vào giữa miếng vải. Sau đó, phơi hoặc hong khô.
à Sau khi khô, mỗi mẫu được cho vào một túi ny-lông sạch, mới, rồi đưa vào một phong bì nhỏ. Ghi tên người cho mẫu ngoài phong bì.
à Bảo quản mẫu ở 40C (ngăn rau của tủ lạnh), nếu chưa đi gửi ngay.
à Kiểm tra lại xem các phong bì đã dán kín chưa. Sau đó, gộp tất cả các phong bì nhỏ lại, cho vào một phong bì lớn cùng với đơn xin xét nghiệm và lệ phí xét nghiệm, rồi gửi ngay bằng dịch vụ chuyển phát nhanh (EMS).
Tôi rất muốn xét nghiệm để biết sự thật về quan hệ huyết thống của mình nhưng không có điều kiện ra Hà Nội. Vậy có thể gởi mẫu xét nghiệm qua đường bưu điện? Mẫu gởi cần bảo quản ra sao, có khó lắm không? ( hadivt@…, nhocmaruko27@…, Ngọc Nguyễn – Trần Văn Thời, Cà Mau)
Để xác đinh quan hệ huyết thống giữa hai người, có thể lấy ADN tách chiết từ những mẫu khác nhau như: máu tươi, máu khô, tế bào viêm mạc miệng… Muốn xét nghiệm quan hệ huyết thống tại Phòng Di truyền Phân tử, bạn không nhất thiết phải ra Hà Nội. Chỉ cần lấy năm giọt mẫu máu của mình và của người mà bạn muốn xét nghiệm (mỗi người năm giọt) cho vào một miếng vải bông (cotton) sạch, diện tích khoảng 3×3 cm, phơi vải cho khô máu. Sau đó, cho mỗi mẫu vào mỗi túi ny-lông riêng biệt, bên ngoài ghi rõ các thông tin cần thiết (mẫu cha, con…), bỏ vào bì thư và gửi bằng bưu điện (không cần gửi nhanh) về Trung tâm Công nghệ Sinh học ở Hà Nội.
Các kết quả xét nghiệm của Trung tâm Công nghệ Sinh học (cụ thể là Phòng Di truyền Phân tử) có đảm bảo tính chính xác? (nguyen216@…, quynhha_sov@…, buihien@…,)
Việc nghiên cứu để xác định quan hệ huyết thống đã được chúng tôi làm liên tục từ năm 1990 đến nay. Trong quá trình đó, đã thực hiện hơn 1.000 thí nghiệm; hoàn thiện từng khâu của quy trình. Trước đây, chỉ cần nhân đến đoạn gien thứ hai là đã có thể biết độ chính xác từ 82-99%. Hiện nay, Trung tâm thực hiện xét nghiệm quan hệ huyết thống theo tiêu chuẩn FBI (Mỹ), nhân bản 12 đoạn gien locut (gien đa hình) trên một cá thể. Độ chính xác đạt đến 99,9%.
Các xét nghiệm tại Trung tâm Công nghệ Sinh học có tính pháp lý không? (Lê Văn H. – Cần Thơ)
Nếu xét nghiệm theo yêu cầu của Tòa án, cần phải có sự giám sát của những người có trách nhiệm thì cách tiến hành lấy mẫu, niêm phong mẫu, kết quả xét nghiệm mới được công nhận về mặt pháp lý.
Nếu chỉ xét nghiệm với tư cách cá nhân, chỉ cần gởi mẫu cho chúng tôi theo cách đề cập nói trên là được. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm trong trường hợp này không có giá trị về mặt pháp lý vì đơn giản là mẫu xét nghiệm gửi đến chúng tôi là do người yêu cầu xét nghiệm tự gửi đến và tự khai báo tên tuổi.
Muốn kết quả xét nghiệm được Toà án chấp nhận, người xét nghiệm phải đến Toà án trước và làm các thủ tục lấy mẫu tại Toà, sau đó Toà sẽ yêu cầu chúng tôi xét nghiệm và chúng tôi trả kết quả cho Toà án. Cho đến nay, chúng tôi đã thực hiện hàng chục trường hợp như vậy.
Con dấu của Trung tâm có giá trị pháp nhân như các con dấu của các cơ quan Nhà nước khác.
● Phan Thảo (ghi)