Chỉ mong thay đổi kết quả
Chị Chu Thị Thủy – Giám định viên pháp y về ADN, Khoa Y – Sinh học, Viện Pháp y Quốc gia gắn bó nhiều năm với công việc giám định ADN. Chị Thủy tâm sự có nhiều câu chuyện dở khóc dở cười ở đây. Tờ kết quả ADN không chỉ là tờ giấy với những thông tin kết quả khô khốc “CÓ – KHÔNG” mà nó còn là những câu chuyện, những mảnh đời đằng sau tờ giấy.
Anh Trần Văn Khanh sống ở Hà Nội đã có gia đình riêng hạnh phúc. Tuy nhiên, một ngày nọ người yêu cũ xuất hiện thông báo anh có con rơi. Cảm xúc thật sự khó diễn tả. Anh không biết vui hay buồn vì mình có thêm một đứa con nhưng hạnh phúc gia đình hiện tại có lẽ sẽ bị lung lay.
Người đàn ông suy nghĩ triền miên bao đêm liền. Cuối cùng, anh đã thú nhận với vợ. Vợ anh thông cảm vì đó là sai lầm của tuổi trẻ. Bố mẹ, gia đình anh vui mừng chào đón đứa con của anh. Người phụ nữ kia cũng đã có gia đình riêng. Anh và gia đình luôn quan tâm con. Ngày Tết, lễ anh xin đón con về nhà chơi. Hiện nay, cháu đã 16 tuổi. Gia đình anh ngỏ ý muốn đổi họ cho cháu theo họ cha mình.
Anh đi làm kết quả xét nghiệm ADN. Hai hôm sau, người đàn ông đến lấy kết quả một mình. Kết quả trên giấy ghi rõ “Ông Trần Văn Khanh KHÔNG cùng huyết thống bố – con với cháu Lê Tuấn Minh. Với kết quả này, anh Khanh vô cùng đau buồn. Điều đặc biệt, anh thương cháu Minh nếu biết mình không phải con ruột của anh chắc cháu sẽ rất buồn. Minh lại đang ở độ tuổi nhạy cảm với thay đổi của tâm sinh lý.
Kết quả giám định không phải chỉ là Có – không mà đó còn là đạo đức nghề nghiệp |
Khi biết cháu có thể đổi họ mang họ của bố, không phải họ mẹ, Minh đã rất vui. Nếu Minh biết kết quả này anh Khanh lo con sẽ không chịu nổi. Sau khi ngồi rầu rĩ cả buổi sáng với những băn khoăn, trạng thái tâm lý giằng co. Anh Khanh ngỏ ý với giám định viên muốn thay đổi kết quả để cháu Minh là con ruột của anh.
Tuy nhiên, các giám định viên đều từ chối. Chị Thủy cho biết ai cũng biết khi làm nghề giám định viên, ký vào tờ kết quả ADN họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và đạo đức nghề nghiệp không cho mình thay đổi. Con số trên tờ kết quả giám định ADN không thể thay đổi dù có được đánh đổi rất nhiều tiền.
Xin đổi bằng mọi giá
Chị Thủy kể, có trường hợp khách hàng là cô gái trẻ. Cô gái này là người thứ ba. Khi có con, người đàn ông kia cũng đã cung phụng cho cô rất nhiều. Tuy nhiên, lòng tham vô đáy. Cô gái tâm sự không muốn là người thứ ba mà muốn làm chính thất.
Biết chồng hờ không có con trai, cô gái đã tìm đủ mọi cách để mang thai. Khi cháu bé sinh ra là con trai, cô mừng lắm vì có thể giữ chân được người tình. Người đàn ông đó cho cô tiền và nhà cửa nhưng không thể cho cô gia đình hoàn chỉnh. Vì muốn con có danh phận, cô gái liên tục ép người tình phải ly hôn để cưới cô.
Vì đòi hỏi của cô gái nhiều quá, chồng hờ của cô quyết định đưa con đi xét nghiệm ADN. Kết quả, đứa trẻ không phải con của anh ta. Cô gái quả quyết kết quả sai nên đưa con tới Viện Pháp y muốn chứng thực lần nữa.
Kỹ thuật viên phân tích ADN trong phòng thí nghiệm |
Chị Thủy tâm sự khi giám định ADN của con trai và người đàn ông kia kết quả đều không cùng huyết thống bố – con. Người phụ nữ đã khóc lóc van xin thay đổi kết quả. Không chỉ van xin, cô gái còn đặt ra rất nhiều tiền cho nhân viên giám định và chỉ mong có thể sửa “KHÔNG thành CÓ”.
Chị Thủy cho biết, mọi người lại tập trung giải thích cho khách hàng hiểu. Nhưng cô gái tin rằng không có gì không mua được bằng tiền. Ngày hôm sau cô lại đến và mong được thay đổi kết quả. Cô gái mang nhiều tỷ đồng đến. Tuy nhiên, cô vẫn ngậm ngùi ra về vì chỉ nhận được những cái lắc đầu của các giám định viên.
“Bản thân mỗi giám định viên chúng tôi ký vào bản kết luận giám định ADN là phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với kết quả chúng tôi đưa ra. Ngoài ra, đạo đức nghề nghiệp không cho phép chúng tôi làm trái với nguyên tắc trong nghề”.
Khánh Chi