Sáng tỏ vụ án từ giám định kỹ thuật hình sự

0

Trong thời gian qua, tình hình tội phạm liên quan đến làm, sử dụng tài liệu giả tiếp tục tăng, có diễn biến phức tạp, khó lường. Năm 2019, Phòng Giám định tài liệu, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đã tiếp nhận và tiến hành giám định trên một nghìn vụ với hàng trăm nghìn yêu cầu.

Dự báo năm 2020, tội phạm sẽ không ngừng ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật để làm giả tài liệu với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện… Phòng Giám định tài liệu (Phòng 5) đã chỉ ra một số thủ đoạn như: tẩy xóa các nét tô đáp án bài thi trong các vụ án gian lận thi cử tại kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 xảy ra ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình; giả mạo chữ ký, chữ viết nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhằm vào các tổ chức tín dụng, tài chính với khả năng điêu luyện, mức độ tinh vi cao; tội phạm mua bán, tàng trữ, vận chuyển tiền giả; vận chuyển tiền trái phép qua biên giới với số lượng lớn; thủ đoạn làm giả giấy tờ nhà đất, giấy chứng nhận đăng ký xe, giấy chứng minh CAND nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức cầm cố, ký kết các hợp đồng mua bán, sang nhượng; thủ đoạn thay trang hợp đồng, điền thêm nội dung vào tài liệu nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất vụ việc với phương thức thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện.

Cán bộ Viện Khoa học hình sự, giám định bài thi trên máy kiểm tra.

Trong đó, đáng chú ý vụ án gian lận thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 xảy ra tại các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, cơ quan ANĐT Bộ Công an, cơ quan ANĐT Công an các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã ra quyết định trưng cầu giám định đối với các bài thi có liên quan. Đây là những nội dung yêu cầu mới được đặt ra trong công tác giám định, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ Phòng 5 cần tìm ra phương pháp tiến hành giám định phù hợp.

Đơn cử, cần phải xác định các nét tô ở phần đáp án bài thi nét nào là của thí sinh, nét nào tội phạm đã sửa chữa lại; đồng thời phải xác định dưới nét tô nhìn thấy hiện tại có nét tô của thí sinh đã bị tẩy đi và tô lại không, qua đó để xác định được phương pháp làm giả của tội phạm tại phần đáp án của bài thi trắc nghiệm mà theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thí sinh được phép dùng nhiều loại bút chì tẩy xóa phương án đã tô để tô lại phương án khác…

Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, đồng thời nhận được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Viện, Phòng 5 đã nghiên cứu phương pháp giám định, tập trung máy móc, phương tiện, làm thêm ngoài giờ, cả thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ.

Kết quả, sau 9 tháng triển khai thực hiện công tác giám định từ tháng 8-2018 đến tháng 5-2019, với gần 800 bài thi và hàng nghìn yêu cầu cụ thể, Phòng 5 đã đưa ra kết luận đối với toàn bộ bài thi gửi giám định, đảm bảo các yêu cầu về pháp luật, nghiệp vụ giúp cơ quan ANĐT kết thúc điều tra vụ án, được lãnh đạo Bộ và các đơn vị phối hợp ghi nhận, đánh giá rất cao.

Hay như vụ án “Vi phạm quy định trong hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (DAB), quận 10, TP Hồ Chí Minh. Đây là vụ thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Để phục vụ công tác điều tra, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã trưng cầu Viện Khoa học hình sự giám định chữ ký trên các tài liệu có liên quan.

Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ án liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân hàng, Phòng 5 đã tập trung cán bộ, phương tiện khẩn trương tiến hành giám định.

Kết quả, sau một thời gian ngắn, Phòng 5 đã đưa ra kết luận chính xác đối với chữ ký đứng tên Phạm An trên các tài liệu thể hiện khoản vay 47,8 tỷ đồng và hồ sơ trả lãi 5 tỷ đồng tại DAB quận 10 làm giả. Kết luận giám định đã giúp cơ quan CSĐT Bộ Công an có căn cứ để tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án.

Tháng 1-2019, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài kiểm tra hành lý của bà Đào Thị Thu Hằng (SN 1967), phát hiện 3.000 tờ mệnh giá 50.000 KrW nghi là ngoại tệ với tổng số tiền là 150.000.000 KrW để trong valy ký gửi không khai báo Hải quan và không có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền khi xuất cảnh.

Để phục vụ công tác xử lý theo đúng quy định của pháp luật, Chi cục Hải quan của khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài đề nghị Viện Khoa học hình sự giám định số tiền ngoại tệ nêu trên.

Đáp ứng kịp thời yêu cầu về thời gian xử lý vụ việc theo quy định pháp luật, Phòng 5 đã khẩn trương nghiên cứu và đưa ra kết luận đối với toàn bộ số ngoại tệ này phục vụ cho công tác xử lý.

Để tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của công tác Giám định tài liệu trong phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đơn vị tiếp tục đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giám định viên tài liệu, chú trọng trang bị phương tiện, thiết bị phục vụ công tác giám định và nghiên cứu, vì với trình độ làm giả tài liệu như hiện nay, việc trang bị phương tiện, thiết bị hiện đại để hỗ trợ công tác giám định tài liệu giữ vai trò quan trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả giám định thậm chí có những trường nếu không có phương tiện, thiết bị hỗ trợ sẽ không phát hiện được tài liệu giả.

Minh Hiền