Giám định chữ ký là một thủ tục cần thiết và có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tố tụng các vụ việc dân sự, hành chính hay hình sự trước tòa. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về hồ sơ, giấy tờ, quy trình giám định. Trong bài viết dưới đây, Luật Dragon xin giới thiệu về quy trình giám định chữ ký theo đúng quy định pháp luật
Căn cứ:
- Luật Giám định tư pháp năm 2012
- Nghị định 85/2013/NĐ-CP
- Các văn bản pháp luật khác có liên quan
Nội dung tư vấn
Ngày nay, các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng công nghệ kỹ thuật để giả mạo chữ ký với mức độ ngày càng tinh vi và nghiêm trọng.
Việc giả chữ ký người khác trong các văn bản có giá trị hay việc chối bỏ nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận là hành vi vi phạm phạm luật và gây ra thiệt hại lớn cho người bị hại.
Do đó, giám định chữ ký trong văn bản có chính xác là của một người để làm chứng cứ trước cơ quan chức năng, cơ quan hành pháp là một trong những biện pháp hữu hiệu để tự bảo vệ quyền lợi cho bản thân trong các vụ việc tranh chấp.
1. Giám định chữ ký là gì?
Giám định chữ ký là một hình thức giám định tư pháp. Theo đó khoản 1 Điều 2 Luật Giám định tư pháp 2012 quy định như sau:
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này.
Như vậy, giám định chữ ký có thể hiểu là việc các cơ quan có thẩm quyền xem xét những dựa trên những kiến thức chuyên môn và đưa ra kết luận về những vấn đề có liên quan đến hoạt động tố tụng.
Kết quả giám định chữ ký do cơ quan có thẩm quyền cấp có thể được coi là một bằng chứng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính.
2. Cơ quan có thẩm quyền giám định
Nghị định 85/2013/NĐ-CP quy định các cơ quan sau có chức năng giám định tư pháp theo yêu cầu trực thuộc Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công An bao gồm:
- Viện pháp y quốc gia; Trung tâm pháp y tâm thần khu vực; Viện pháp y tâm thần Trung ương trực thuộc Bộ Y tế
- Viện pháp y Quân đội; Phòng giám định kỹ thuật hình sự trực thuộc Bộ Quốc phòng:
- Viện Khoa học hình sự; Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện khoa học hình sự trực thuộc Bộ Công an.
- Trung tâm pháp y cấp tỉnh thuộc UBND tỉnh; Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh.
3. Hồ sơ yêu cầu giám định
Để thực hiện giám định chữ ký, pháp luật yêu cầu phải chuẩn bị những giấy tờ, hồ sơ cần thiết sau:
- Đơn đề nghị giám định
- Đối tượng giám định
- Các tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có)
- Bản sao giấy tờ chứng minh mình là đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ đến cá nhân, tổ chức thực hiện giám định
Lưu ý: Hồ sơ yêu cầu giám định phải đảm bảo đầy đủ các thông tin như: Tên tổ chức hoặc họ, tên người yêu cầu giám định; Nội dung yêu cầu giám định; Tên và đặc điểm của đối tượng giám định; Ngày, tháng, năm yêu cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định; Chữ ký, họ, tên người yêu cầu giám định…
4. Quy trình giám định chữ ký
Khi người yêu cầu giám định đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận thì sau 07 ngày phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản.
Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định pháp luật
Bước 2: Nộp hồ sơ
Người yêu cầu giám định gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị giám định trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến các cơ quan có chức năng giám định theo quy định.
Bước 3: Nhận kết quả
Kể từ khi nhận được hồ sơ, tùy thuộc vào độ phức tạp của ký tự, văn bản cần giám định cơ quan có thẩm quyền sẽ trả kết quả giám định trong vòng 10 – 30 ngày làm việc.
Khuyến nghị
- Luật Dragon là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà Luật Dragon cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay