Phá án bằng phương pháp giám định gen (ADN)

0

Giám định gen (ADN) là phương pháp nghiên cứu, phân tích các dấu vết, mẫu vật có nguồn gốc sinh vật (chủ yếu từ cơ thể người) ở mức độ phân tử bằng các kỹ thuật sinh học phân tử.

Năm 1985 được coi là năm ra đời của lĩnh vực giám định tư pháp khi nhà di truyền học người Anh là Alex Jeffreys và các cộng sự của ông phát hiện ra trình tự của các Bazơ Nitơ được lặp lại một số lần, là đặc điểm quan trọng để phân biệt sự khác nhau giữa các cá thể, giữa con người này với con người kia.

Giám định gen thể hiện sự vượt trội về độ chính xác, nguồn dấu vết cũng như số lượng dấu vết, mẫu vật so với việc phân tích nhóm máu, nhóm enzim hay protein huyết thanh… là những phương pháp giám định thông thường, chỉ có giá trị loại trừ trong giám định sinh học pháp lý. Trong rất nhiều vụ án giết người, xâm hại tình dục, tai nạn giao thông… trước đây mà các phương pháp giám định thông thường không thể giải quyết được thì ngày nay, nhờ giám định ADN, cơ quan điều tra đã xác định chính xác đối tượng gây án, giúp cho công tác điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội.

Mô phỏng ADN

Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Tiến Quý, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cho biết tại Việt Nam, năm 1999, phòng giám định tư pháp về gen đầu tiên ở Việt Nam được khai trương tại Viện Khoa học hình sự với các thiết bị, công nghệ hiện đại nhất lúc bấy giờ và đội ngũ cán bộ được đào tạo cơ bản tại các nước tiên tiến. Đến năm 2006, Viện KHHS được trang bị một máy điện di mao quản thế hệ mới dùng trong giám định ADN, đó là máy ABI 3130. Thế hệ máy này đã giúp giám định viên giảm thời gian giám định, nâng cao hiệu suất phân tích mẫu với 16 locus ADN và đạt độ chính xác gần như tuyệt đối (99,999999%). Hiện nay, Trung tâm đang sử dụng ba hệ thống giải trình tự 3130 thuộc loại hiện đại nhất thế giới, đủ khả năng giải mã kịp thời tất cả yêu cầu của các cơ quan điều tra, phục vụ công tác điều tra, truy tố và xét xử.

Hiện nay, ngoài Trung tâm giám định ADN ở Hà Nội, Viện KHHS đã triển khai phòng giám định ADN ở Phân viện KHHS tại thành phố Hồ Chí Minh  và Phân viện KHHS tại Đà Nẵng với các trang thiết bị hiện đại, đáp ứng kịp thời các yêu cầu giám định gen trong công tác điều tra tội phạm cũng như nhu cầu của các tổ chức, cá nhân.

Từ khi đưa vào ứng dụng tại Việt Nam đến nay, công tác giám định AND đã thể hiện hiệu quả vô cùng to lớn, có vai trò quyết định trong việc phá thành công nhiều vụ án phức tạp, tưởng như đi vào ngõ cụt. Giám định AND giúp cơ quan điều tra tiết kiệm được rất nhiều công sức, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy tố xét xử.

Năm 2003 và 2004 trên địa bàn huyện Bến Cát, Tân Uyên và thị xã Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) liên tiếp xảy ra 13 vụ hiếp dâm, cướp tài sản của người đi đường. Các vụ án thường xảy ra vào lúc trời tối, trên các đoạn đường vắng hoặc trong các lô rừng cao su rậm rạp. Tất cả nạn nhân đều là phụ nữ, nạn nhân nhỏ tuổi nhất mới 13 tuổi, nhiều tuổi nhất 40. Manh mối duy nhất theo lời mô tả của các nạn nhân là kẻ gây án còn khá trẻ, cao khoảng 1,7m, nói giọng miền Nam.

Đặc biệt, trong vụ án chị B. bị cướp tài sản trên đường đi học ngoại ngữ buổi tối, sau khi cướp tài sản, đối tượng cưỡng hiếp nhưng bị chị B. chống trả quyết liệt. Trong lúc vật lộn, chị B. đã cắn đứt một mẩu tai của đối tượng và đã chạy thoát. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã đưa 19 người vào diện nghi vấn có các đặc điểm nhận dạng giống như kẻ gây án mà các nạn nhân mô tả. Trong số đó có một người cũng bị mất một mẩu tai.

Theo lời kể của người này thì trong một lần hai vợ chồng âu yếm, đùa giỡn nhau quá đà, cô vợ đã cắn đứt một mẩu tai chồng. 19 mẫu gen của những người này đã được gửi về Viện KHHS để giám định so sánh với mẫu tinh dịch thu trong âm đạo các nạn nhân và 01 mẩu vành tai bị đứt rời có kích thước 03 x 01 cm thu ở hiện trường, nhưng kết quả không có ai trong số họ trùng với kiểu gen của kẻ gây án (kể cả người đàn ông bị vợ “xơi” mất một mẩu tai. Kết quả này không làm cho các điều tra viên nản lòng. Các điều tra viên vẫn kiên trì lưu tâm đến vụ án. Tới tháng 4.2006, mẫu tóc của người tình nghi thứ 20 được cơ quan điều tra thu gửi về Viện KHHS giám định. Kết quả giám định đã khẳng định tên là Nguyễn Văn Điền (kẻ bị nạn nhân cắn đứt tai) ở Bình Dương chính là hung thủ của các vụ cướp, hiếp dâm hàng loạt.

Năm 2006 dư luận xôn xao khi tử tù Nguyễn Thị Oanh có thai khi đang chờ ngày ra pháp trường trong thời gian bị giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình. Sau khi sinh con và được giảm án xuống chung thân, Oanh đã được Viện KHHS tiến hành giám định gen của con là Nguyễn Oanh Thiên Ngọc để lấy mẫu so sánh với đối tượng nghi vấn là Nguyễn Trường Thiên, phạm nhân đang chấp hành án cùng trại tạm giam. Trước đó, Oanh đã xin tinh trùng của phạm nhân chấp hành án chung thân Phạm Khắc Thủy nhưng kết quả không mang thai được. Sau khi giám định và phân tích, các giám định viên Viện KHHS đã kết luận: Nguyễn Trường Thiên chính là cha đẻ của cháu Nguyễn Oanh Thiên Ngọc với xác suất: 99,98%. Đây là chứng cứ quyết định để cơ quan điều tra xử lý vụ án.

Từ năm 2005 đến năm 2007, trên địa bàn huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên liên tiếp xảy ra hàng chục vụ kẻ xấu rình rập ở những nơi vắng vẻ, xa khu dân cư để hãm hại phụ nữ đi qua vào lúc đêm tối. Kẻ gây án thường chụp kín mặt bằng chiếc mũ len màu đen, chỉ để hở đôi mắt rồi núp trong những ruộng ngô, rình ở những quãng đường vắng, khi thấy phụ nữ đi qua thì bất ngờ nhảy ra chặn đường, dùng dây thừng trói nạn nhân rồi đưa vào trong cánh đồng ngô hoặc đến bãi tha ma, cách nơi bắt giữ nạn nhân vài ba cây số. Cưỡng hiếp, sau đó cướp tài sản của nạn nhân. Nạn nhân bị cưỡng hiếp và cướp đoạt tài sản gồm đủ các lứa tuổi, từ cháu gái 13 tuổi đến bà già trên 70 tuổi.

Không chỉ rình rập ngoài đường, đối tượng còn đột nhập vào các nhà riêng chỉ có phụ nữ, vắng đàn ông để trộm cắp và giở trò đồi bại. Qua khám nghiệm, cơ quan điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã thu được tinh trùng trong dịch âm đạo của 06 nạn nhân gửi Viện KHHS giám định. Kết quả cả 06 mẫu gửi giám định này đều có chung một kiểu gen. Và qua quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã gửi Viện KHHS giám định gần 40 đối tượng nghi liên quan đến vụ án.

Tháng 11. 2007, tiếp tục giám định các mẫu tóc và mẫu máu thu của 04 đối tượng nghi vấn khác, các giám định viên của Viện KHHS đã kết luận tên Phạm Văn Tắng, sinh năm 1960. Trú tại xã Song Mai, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, chính là kẻ đã để lại dấu vết tinh trùng trong cơ thể cả 06 người phụ nữ trên.

Với các vụ án giết người, tai nạn giao thông, truy tìm tung tích nạn nhân… giám định ADN càng thể hiện vai trò không thể thiếu, mang tính quyết định trong việc xác định thủ phạm. Điển hình: Trong vụ cướp của giết người xảy ra tại tiệm vàng Ngọc Bích, phố Sàn, Phương Sơn, Lục Nam, Bắc Giang năm 2011, thủ phạm đã sát hại ba người và chém trọng thương một cháu bé trong một gia đình để cướp tài sản. Qua khám nghiệm hiện trường và giám định ADN, Viện KHHS đã cung cấp cho ban chuyên án những thông tin vô cùng quý giá: kẻ gây án không cùng huyết thống với gia đình nạn nhân; là nam giới; thủ phạm bị thương… Đây là nguồn thông tin vô cùng quan trọng giúp Ban chuyên án định hướng điều tra. Căn cứ thông tin này chỉ ba ngày sau, kẻ gây án đã được xác định và không lâu sau đó, tên Lê Văn Luyện, thủ phạm của vụ thảm sát đã bị bắt giữ.

Chúng tôi đến Trung tâm giám định gen thuộc Viện Khoa học hình sự khi các chuyên gia ở đây đang tất bật xử lý các yêu cầu từ nhiều nơi gửi đến. Đơn vị non trẻ nhưng thành tích rất nhiều, lực lượng tinh nhuệ, hệ thống máy móc và công nghệ tiên tiến, các anh các chị đang khẳng định mình một cách vững vàng và là địa chỉ tin cậy của lực lượng Công an và nhân dân.

Linh Hằng (GD&TĐ)