Kỳ án ADN

0

Một vụ án đã kéo dài tới hơn 10 năm với tổng cộng 5 lần giám định gen di truyền để xác định cha đứa trẻ. Trong khi kết luận đã rõ mười mươi, nhưng thủ phạm luôn khẳng định mình vô tội, thậm chí tuyên bố số tiền được bồi thường oan sai sẽ dùng làm từ thiện. Tuy nhiên, bằng những lời mở lòng từ một giám định viên, vụ án đã khép lại với bản án thích đáng dành cho đối tượng mà không một lời kháng cáo.

5 lần giám định và 6 lần xét xử
Lật lại hồ sơ vụ án, vào tháng 5/1998, chị Nguyễn Thị Minh Hiếu (sinh năm 1983, ngụ ấp Phú Khương A, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đã quyết định nói với người thân về việc mình có thai và chỉ rõ cha của đứa trẻ trong bụng cô là người hàng xóm Nguyễn Thành Trung (sinh năm 1978). Theo Hiếu, cô đã bị Trung dùng vũ lực giao cấu 4 lần ngay tại nhà lúc cô chỉ có một mình.

Uất ức vì con gái bị làm nhục, ông Nguyễn Văn Tho (sinh năm 1962, cha ruột của Hiếu) đã làm đơn tố cáo Nguyễn Thành Trung hiếp dâm con gái ông dẫn đến mang thai. Những tưởng vụ việc kết thúc ở đây, thủ phạm Nguyễn Thành Trung bị bắt nhưng nào ngờ cũng thời điểm đó lại có một lá đơn khác khẳng định chính ông Tho mới là “tác giả” cái thai trong bụng Hiếu.

Trước sự xoay chiều bất ngờ của vụ việc, Công an tỉnh Tiền Giang đã vào cuộc và quyết định khởi tố vụ án. Trước tòa, Nguyễn Thị Minh Hiếu vẫn lặp lại lời khai như đã nói với gia đình rằng Nguyễn Thành Trung đã giao cấu khiến cô có thai. Tuy nhiên, kết quả giám định ADN do Công an Tiền Giang trưng cầu lại cho thấy ông Tho mới chính là cha của bé Nguyễn Văn H (sinh tháng 8/1998) chứ không phải là Nguyễn Thành Trung. Ngay sau đó, ông Tho bị bắt tạm giam.

Không nhất trí với kết quả giám định do Công an tỉnh Tiền Giang trưng cầu Phân viện Khoa học hình sự – Bộ Công an, ông Nguyễn Văn Tho đã kêu oan và Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Tiền Giang trưng cầu giám định lại tại Tổ chức Giám định pháp y Trung ương (tiền thân của Viện Pháp y Quốc gia hiện nay). Kể từ đó, một chuỗi 5 lần giám định và 6 lần xét xử nhưng ông Tho vẫn cãi chày cãi cối, một mực kêu oan khiến vụ án ngày càng phức tạp, được nhiều người gọi là “kỳ án ADN”.

Phá án nhờ… lời “mở lòng” của giám định viên

Trước tính chất phức tạp của vụ án, theo quyết định trưng cầu giám định của Viện trưởng VKSND Tối cao, ngày 26/6/2009, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định 2288/QĐ-BYT thành lập Hội đồng Giám định do TS. Vũ Dương – Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia làm Chủ tịch. Ngay sau đó, hội đồng đã tiến hành lấy mẫu giám định ADN đối với ông Tho, chị Hiếu, anh Trung và bé Nguyễn Văn H. Khi được lấy mẫu, ông Tho tuyên bố ông hoàn toàn an tâm và tin tưởng mình sẽ được giải oan, thậm chí ông còn khẳng định món tiền được bồi thường oan sai sẽ dùng làm từ thiện.

Trước kết quả giám định (và cả mẫu gửi ra nước ngoài đối chiếu) nhiều lần khẳng định ông Nguyễn Văn Tho chính là cha của đứa trẻ trong bụng chị Nguyễn Thị Minh Hiếu và thái độ của đối tượng, một giám định viên đã mở lời “tâm sự” cùng ông Tho. Người này nói: “Bác ạ, làm khoa học chúng tôi tuyệt đối tin tưởng kết quả khoa học và không nghiêng về bất cứ bên nào. Nhưng bác biết không, ở đời lại có một quy luật nhân quả mà khó ai có thể cưỡng lại được. Quy luật đó nói rằng, người làm điều ác thì trước sau gì cũng phải đối mặt với điều ác mình gây ra nếu không biết sớm ăn năn, sám hối…”.

Theo lẽ thông thường, các giám định viên pháp y khi làm việc rất ít khi trao đổi dài dòng với đối tượng được giám định. Họ chỉ nói, hỏi những câu cần thiết phục vụ công tác chuyên môn. Thế nhưng, với những câu nói tận đáy lòng của một giám định viên, vụ kỳ án ở Tiền Giang kết thúc với án tù 7 năm cho Nguyễn Văn Tho mà không một lời kháng cáo.
Tuấn Phong
Theo SKĐS