Giám định pháp y và chuyện truy tìm dấu vết biết nói

1

Giám định adn – Giữa ngày hè oi bức, Thượng úy Trần Bá Dương – Phó Đội trưởng Đội Khám nghiệm truyền thống, Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an Hòa Bình) vẫn miệt mài bên dụng cụ khám nghiệm, làm rõ các vật chứng thu lượm tại hiện trường. Những giọt mồ hôi nhễ nhại, hốc mắt đen sạm.


Từ gần 10 năm nay, Thượng úy Dương quen với công việc gian khổ ấy mà có lẽ không phải ai cũng dám làm, dù chỉ là suy nghĩ. Sự đam mê, khát khao cháy bỏng được làm rõ sự thật, minh oan người vô tội, bắt “tử thi sống dậy” tố cáo hung thủ. Điều đó làm nên thành công cho Trần Bá Dương, gương tiêu biểu trong phong trào CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy của Công an tỉnh Hòa Bình.

Năm 2005, tốt nghiệp Đại học dân lập Đông Đô Hà Nội, Khoa Điện tử viễn thông, người thanh niên trẻ Trần Bá Dương được tuyển dụng vào Công an Hòa Bình, phân công làm công tác khám nghiệm hiện trường tại Phòng Kỹ thuật hình sự.

Đây là một công việc đầy rẫy khó khăn, vất vả, nguy hiểm bởi đối tượng tiếp xúc là những xác chết, những bộ phận cơ thể thối rữa, phân hủy, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. Nếu không có bản lĩnh, niềm đam mê với nghề, chắn hẳn không phải ai cũng dám nhận nhiệm vụ. Trong thực tế, nhiều cán bộ khám nghiệm do không chịu nổi áp lực công việc, ám ảnh về nghề, làm đơn chuyển đơn vị khác.

Với Thượng úy Dương, ngay từ khi vào nghề, anh xác định cho mình bản lĩnh vững vàng, dù nhiệm vụ đó khó khăn, vất vả, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng mình.

Vào khoảng tháng 7/2008, trong quá trình khai thác than tại xóm Mường Vọ, xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi (Hòa Bình), những người công nhân đã phát hiện dưới đáy hầm sâu gần 100m có một xác người đang ở giai đoạn phân hủy, chỉ còn lại bộ hài cốt.

Thượng úy Trần Bá Dương đang giám định tài liệu.

Theo ghi nhận, hầu hết người dân địa phương cho rằng đây là vụ “tai nạn rủi ro”, nạn nhân không may rơi xuống mỏ than dẫn đến tử vong. Ngay sau đó, Trần Bá Dương cùng bộ phận khám nghiệm, Phòng Kỹ thuật hình sự được điều động tới hiện trường. Hiện trường là khu vực khá vắng vẻ, hoang sơ, nằm cạnh con suối. Việc triển khai khám nghiệm gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Không quản ngại khó khăn, vất vả, anh đã trực tiếp xuống dưới đáy hầm than để tiến hành khám nghiệm.

Lúc này, quần áo của anh lấm lem bùn đất, khuôn mặt xám xịt, không gian ngột ngạt, khiến nhiều đồng đội cảm thấy e ngại. Khắc phục khó khăn, không lâu sau anh tiếp cận được bộ hài cốt ghê rợn. Thông qua công tác khám nghiệm, các giám định viên phát hiện xương sọ bộ hài cốt bị rạn nứt, phía sau gáy đỉnh đầu có một vết lõm tròn và vỡ một mảnh nhỏ. Với kinh nghiệm trong nghề, anh chú ý tới những vật chứng để lại tại hiện trường gồm: 1 đôi giày, 1 bộ quần áo và 1 chùm chìa khóa…

Thông qua đó, các giám định viên khẳng định đây là vụ án giết người hết sức dã man. Tuy nhiên, việc xác định tung tích nạn nhân rất khó khăn, phức tạp vì không thể nhận dạng với các thông tin như vậy. Anh và các cộng sự thận trọng đánh giá hiện trường, tử thi và các vật chứng để lại tại hiện trường. Đây rất có thể là chi tiết quan trọng, gợi mở hướng điều tra của vụ án.

Trên cơ sở các kết luận của giám định viên, Ban chuyên án đã xác định nạn nhận là chị Quách Thị Vẹn, 31 tuổi, ở xã Cuối Hạ, Kim Bôi. Tiến hành điều tra, xác minh các mối quan hệ của chị Vẹn, chỉ 2 ngày sau, cơ quan điều tra đã làm rõ đối tượng phạm tội là tên Bùi Văn Cương, 50 tuổi, ở xóm Mòi, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình). Đáng chú ý, tên Cường lại chính là bạn trai của chị Vẹn. Một kết cục đáng buồn của mối tình vụng trộm.

Nhiều lúc vì áp lực công việc, gia đình, anh định chuyển sang lĩnh vực khác, vừa an nhàn, lại tránh được rủi ro thường trực. Song vượt lên trên hết, niềm đam mê cống hiến thôi thúc anh thêm vững tin, góp phần làm sáng tỏ vụ án, trả lại sự công bằng cho xã hội.

Thượng úy Trần Bá Dương nhiều năm liên tục đạt “Chiến sỹ thi đua cơ sở”, được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen trong phong trào “CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”

Như Hùng (CAND)