Giám định pháp y hình sự và dân sự

1
dịch vụ giám định gen

Giám định pháp y hay Pháp y các hoạt động giám định trong lĩnh vực y khoa để phục vụ cho công tác pháp luật, phục vụ cho việc xét xử các vụ án với các hoạt động đặc trưng như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, mổ xác, xác định thương tật, tình trạng sức khỏe, các dấu hiệu thân thể bị xâm phạm, kiểm tra, xác định vật chứng, tang chứng.

Giám định pháp y là một ngành khoa học, nó sử dụng những thành tựu khoa học trong lĩnh vực y học, sinh học, hoá học, vật lý học, tin học… để đáp ứng những yêu cầu của pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự và dân sự thông qua hoạt động giám định khi được các cơ quan trưng cầu.

Hoạt động đặc trưng của giám định pháp y là khám nghiệm tử thi, mổ xác nhưng ngoài mổ xác, giám định xác chết, giám định pháp y có nhiều chuyên ngành chuyên sâu như y học phân tử, giám định thương tích trên người sống, giám định sức khỏe….

Giám định pháp y được phân thành 03 nội dung cơ bản gồm:

Giám định pháp y hình sự: Là các hoạt động giám định về y khoa nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến việc xâm hại tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm con người, các vụ án mạng, đánh người bị thương, xâm hại tình dục, loạn luân, giao cấu với trẻ em….các mẫu vật có nguồn gốc từ cơ thể người có liên quan đến vụ án như máu, dấu vân tay, tóc, da, gàu, các loại lông…. để lại tại hiện trường có liên quan đến vụ án hay vụ việc
Giám định pháp y dân sự: Giải quyết các vấn đề có liên quan tới các vụ kiện dân sự như giám định huyết thống, tranh chấp mồ mả, xác định tình trạng sức khoẻ trong việc bồi thường thiệt hại về sức khoẻ của nạn nhân trong các vụ tai nạn lao động, giả vờ bị thương, giả bệnh, giả ốm, đau, đặc biệt là xem xét đối tượng có thực sự bị tâm thần hay mất năng lực hành vi hay không (Giám định pháp y tâm thần) v.v..
Giám định pháp y nghề nghiệp: Giải quyết các vụ việc liên quan đến bệnh nhân chết trong bệnh viện, trạm xá, các cơ sở y tế khác mà không phải do bệnh nặng vượt quá khả năng y tế mà là lỗi của nhân viên y tế thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu y đức, sai sót về chuyên môn (chẩn đoán sai, mổ sai, sử dụng nhầm thuốc, để sót dụng cụ trong phẫu thuật, để quên dụng cụ, đồ vật trong cơ thể người bệnh…).
Đối tượng giám định pháp y bao gồm:
Giám định trên người sống thông qua việc khám, xem xét người đang sống là nạn nhân để xác định thương tích trên cơ thể nạn nhân, tỷ lệ thương tật do di chứng của chấn thương. Giám định trên cơ thể của thủ phạm, người tình nghi là thủ phạm nhằm xác định thương tích để lại trên cơ thể do quá trình phạm pháp tạo nên. Xác định tuổi thực khi có gian lận về tuổi giữa vị thành niên và thành niên để tăng giảm mức hình phạt.
Giám định pháp y tử thi nhằm xác định nguyên chết, thời gian chết, các bệnh lý kèm theo và quan trọng là xác định thương tích trên nạn nhân (thương tích trước chết, thương tích sau chết, thương tích gây tử vong) cùng với giám định các loại hung khí gây ra các thương tích
Giám định mẫu vật có nguồn gốc cơ thể người trong các vụ án, nghi án, (lông, tóc, máu, nước bọt, mồ hôi, tinh dịch còn vương vãi, để lại trên hiện trường)
Giám định nhận dạng người bao gồm những tử thi chưa rõ tung tích ngoài xác định nguyên nhân chết còn xác định tuổi, giới tính, chủng tộc, đặc điểm bệnh tật, giám định các bộ xương, thậm chí là những bộ xương khô, đầu lâu chưa rõ tung tích có thể xác định được tuổi, chiều cao,giới tính, chủng tộc, dựng lại khuôn mặt bằng phương pháp nặn tượng hoặc lồng ghép ảnh bằng máy vi tính.
Giám định độc chất phủ tạng: Xác định trong phủ tang người chết chưa rõ nguyên nhân có chất độc hay không và bị trúng độc loại gì từ đó đưa ra giả thiết về hung thủ đã hạ độc, nạn nhân bị đầu độc trong trường hợp nào.
Giám định vật gây thương tích: Xác định các vật có thể gây ra thương tích trên nạn nhân như dao, kéo, búa, rìu, cờ lê, mỏ lết…
Giám định dựa trên hồ sơ tài liệu là việc giám định thông qua các hồ sơ tài liệu, sổ sách, ghi chép, bản nháp, dự thảo có liên quan (bản ảnh pháp y, hồ sơ bệnh án, biên bản giải phẫu tử thi, bản ghi lời khai, nhật ký, thư tuyệt mệnh…) có thể xác định nguyên nhân chết, cơ chế gây tổn thương, vật gây thương tích, động cơ, mục đích…