“KHOA HỌC HÌNH SỰ CÔNG AN VIỆT NAM ĐẠT TRÌNH ĐỘ QUỐC TẾ VỀ GIÁM ĐỊNH GEN”
Đây là khẳng định của Đại tá Ngô Tiến Quý, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự Bộ Công an khi cho biết về trình độ, phương tiện và phương pháp kỹ thuật trong giám định hình sự, đặc biệt là giám định gen, giám định dấu vết vân tay.
Theo Viện trưởng Ngô Tiến Quý, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an hiện cũng đã đầu tư nhiều thiết bị máy móc giám định hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ đắc lực cho công tác nghiệp vụ điều tra tội phạm.
Cuối năm 2006, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an nhập thiết bị giám định gen có tính năng hiện đại, độ chuẩn xác cao. “Thời điểm đó, qua tham khảo các nước trong khu vực Đông Nam Á cho thấy, chỉ duy nhất Việt Nam có máy giám định gen hiện đại như vậy” – Viện trưởng Ngô Tiến Quý khẳng định.
Với máy móc, thiết bị hiện đại, đội ngũ giám định viên của Viện cũng đã được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm giám định nên đã bước đầu đáp ứng yêu cầu giám định, truy nguyên hình sự, phục vụ đắc lực công tác điều tra tội phạm trong giai đoạn mới.
Hiện Viện Khoa học hình sự Bộ Công an thực hiện 10 lĩnh vực giám định hình sự, trong đó trình độ tiên tiến nhất là giám định gen, giám định đường vân. Kết quả giám định là một căn cứ quan trọng giúp CQĐT củng cố chứng cứ, xác định hành vi bị can cấu thành tội gì, tính chất ra sao, là cơ sở để tòa án xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Điển hình việc giám định gen gần đây là trường hợp tử tù Nguyễn Thị Oanh có thai khi đang bị tạm giam, chờ ngày ra pháp trường. Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đã cho tiến hành giám định gen con của Nguyễn Thị Oanh là Nguyễn Oanh Thiên Ngọc để lấy mẫu so sánh với đối tượng nghi vấn là Nguyễn Trường Thiên, phạm nhân đang chấp hành án tại Trại Hòa Bình.
Trước đó, Oanh đã xin tinh trùng của phạm nhân chấp hành án chung thân Phạm Khắc Thủy nhưng kết quả Oanh không mang thai.
Sử dụng thiết bị giám định gen hiện đại nhất và bằng phương pháp phân tích khoa học mẫu tóc, niêm mạc miệng của phạm nhân Oanh, phạm nhân Thiên và cháu Thiên Ngọc, Viện Khoa học hình sự kết luận: Nguyễn Trường Thiên chính là cha đẻ của cháu Nguyễn Oanh Thiên Ngọc với xác suất rất cao: 99,98%.
Nhiều vụ án khác, điển hình là các vụ hiếp dâm, cưỡng dâm, CQĐT cũng trưng cầu Viện Khoa học hình sự giám định dấu vết tinh trùng hoặc mẫu ADN sau khi người mẹ sinh con.
Thực tế trong 10 lĩnh vực giám định, ngoài giám định gen, đường vân thì Viện Khoa học hình sự Bộ Công an cũng tiến hành giám định nhiều dấu vết khác phục vụ truy nguyên hình sự như giám định dấu vết sinh hoá, dấu vết cháy nổ. Tuy nhiên, các lĩnh vực giám định sinh hóa độ chuẩn xác chưa cao.
Viện trưởng Ngô Tiến Quý cho biết, hiện Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã có đội kỹ thuật hình sự phục vụ công tác giám định. Tuy nhiên, máy móc, thiết bị không đầy đủ, trình độ chuyên môn cán bộ giám định không đồng đều.
Do đó, trong các trường hợp để đảm bảo tính chuẩn xác, Viện Khoa học hình sự vẫn tiến hành giám định theo trưng cầu của CQĐT để có kết luận đảm bảo tính khoa học.
Ngoài ra, một vấn đề quan trọng khác trong công tác điều tra hiện nay là lực lượng khám nghiệm hiện trường ở Công an địa phương hầu như mới chỉ bố trí ở cấp tỉnh.
Công an các quận, huyện không có cán bộ chuyên trách về khám nghiệm hiện trường mà thường là cán bộ điều tra kiêm nhiệm. Vấn đề này đang được kiến nghị để có điều chỉnh hợp lý.
Đối với giám định gen, với trình độ, kỹ thuật tiên tiến như hiện nay, sắp tới, Viện Khoa học hình sự sẽ thành lập thêm các trung tâm giám định gen ở 8 địa phương. Viện cũng nghiên cứu để sớm thành lập thư viện tàng thư gen, phục vụ công tác nghiệp vụ điều tra tội phạm.
Ngoài Viện Khoa học hình sự tại Hà Nội, dự kiến Bộ Công an cũng sẽ xây dựng thêm các phân viện tại Đà Nẵng, Cần Thơ và nâng cấp cơ sở tại TP Hồ Chí Minh. Như vậy, trong tương lai, ngành giám định gen ở Việt Nam nói chung, của lực lượng kỹ thuật hình sự Công an nói riêng sẽ có bước phát triển mới.
Thực tế, giám định gen là lĩnh vực khoa học mới. Theo Giáo sư Bửu Mật, chuyên viên Bệnh viện Truyền máu và Huyết học, trước đây, để xét nghiệm quan hệ huyết thống, các trung tâm thường sử dụng hệ thống hồng cầu. Tuy nhiên, phương pháp xét nghiệm hồng cầu mức độ chuẩn xác chỉ đạt khoảng 50-70% nên nếu áp dụng trong kỹ thuật hình sự sẽ khó đảm bảo tính chuẩn xác phục vụ yêu cầu nghiệp vụ của CQĐT.
Sau đó, người ta sử dụng hệ thống HLA, tức hệ thống kháng nguyên bạch cầu, phương pháp này đạt chuẩn xác từ 95-97%. Kể từ cuối năm 2004, phương pháp giám định gen bắt đầu được đưa vào áp dụng tại Việt Nam và Bệnh viện Truyền máu và Huyết học là nơi đầu tiên áp dụng hình thức này.
Đáng chú ý, so với các phương pháp giám định trước đây như hồng cầu, HLA thì giám định gen có hiệu quả vượt trội, đạt tới 99,99%. Với xét nghiệm gen, trong 1 tỷ người thì chỉ có 2 người gen giống nhau, trong khi xét nghiệm hồng cầu thì chỉ vài trăm người đã có người hồng cầu giống nhau.
Cũng bắt đầu từ năm 2004, 2005 tới nay, một số bệnh viện, trung tâm kỹ thuật y tế đã nhập hệ thống máy móc hiện đại để phục vụ xét nghiệm gen. Về mặt khoa học, qua giám định nếu xác định tất cả các gen đều giống nhau thì khẳng định hai người có quan hệ huyết thống như cha con, mẹ con.
Đối với giám định gen phục vụ điều tra hình sự, nếu có kết quả không thống nhất thì phải giám định lại, thường chỉ trường hợp phức tạp. Hiện chỉ có Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP Hồ Chí Minh sử dụng thiết bị giám định gen hiện đại này, trong đó như đánh giá của Đại tá Ngô Tiến Quý thì thiết bị giám định gen của Viện hiện đại nhất Đông Nam Á. Đây thực sự là thông tin mừng cho ngành điều tra tố tụng hình sự.
(theo CAND online)