Đúng mùng 6 Tết vừa qua, khách hàng khai trương Trung tâm xét nghiệm ADN và công nghệ di truyền là một ông bố may mắn không để đâu cho hết.
Con đòi đi xét nghiệm ADN để tìm bố
Trong suốt thời gian cặp kè với nhau, cũng đã có những lần cô bồ “đi lạc hướng” và cô cũng thành thật thừa nhận đứa bé không phải con của người đàn ông giàu có này vì sau khi “tính toán” thời gian quan hệ, chu kỳ, vv… thì cô đi đến kết luận trên.
Cũng chính vì sự thành thật này mà sau khi cô bồ sinh con, vị đại gia (sinh năm 1950 tại Hà Nội) vẫn tình nguyện ở bên hai mẹ con, thậm chí coi cô bé (sinh năm 1993) như con ruột và đầu tư cho ăn học. Khi đứa bé lên cấp 2, ông đã đầu tư tiền cho cô bé sang Mỹ học tập. Chỉ duy nhất một điều là ông vẫn gọi cô bé là “cháu”, xưng là “bác”.
Đợt nghỉ Tết vừa qua, cô bé từ Mỹ trở về để ăn Tết với gia đình và thắc mắc với mẹ: “Bác T. không có quan hệ họ hàng, cũng không phải cha của con, tại sao lại tốt với con như thế? Bác ấy cho con đi du học bên Mỹ, cho con đủ thứ, người xa lạ không thể làm vậy được”. Khi được nghe mẹ giải thích là “do bác ấy tốt tính, bác ấy thương mẹ, thương con, vv…” cô bé vẫn không tin và nhất định đòi đi xét nghiệm ADN với bác T. vì biết đâu người lớn vì lý do gì đó lại phải nói dối con trẻ.
Thấy con quyết tâm xét nghiệm, lại tự nguyện đòi hỏi nên cả mẹ và bác T. đều cảm thấy thoải mái đồng ý.
Khi đến Trung tâm phân tích ADN, cô bé sinh năm 1993 có vẻ khá căng thẳng, tỏ nét mặt nghiêm nghị và không nói gì nhiều. Ngược lại là ông “bác” rất vui tính, trò chuyện rôm rả. Ông là người hiếm hoi đợi kết quả một cách “vô tư” nhất vì ông đã được nghe chính miệng cô bồ rằng đây không phải con ông (dù ông cũng rất yêu quý nó).
Sau 4 tiếng chờ đợi, kết quả xét nghiệm cho thấy ông và cô bé này chính là … cha con! Sợ nhầm, ông đòi xét nghiệm lại. Vẫn là … cha con! Dù vẫn nuôi nấng, chăm sóc cho cô bé từ nhỏ nhưng kết quả này cũng đủ khiến ông “tròn mắt, cứng miệng”. Ông tỏ ra phấn khởi thực sự và luôn miệng nói với cô bé: “Con phải thay đổi cách xưng hô ngay đi nhé. Bố mới là bố con chứ không phải là bác nữa đâu”.
Nhưng trước đó, vị đại gia này cũng từng khốn khổ trên hành trình đi tìm con ruột của mình. Vợ không có con trai, ông cặp với một bồ nhí và cô bồ đẻ cho ông thằng cu. Ông còn mua riêng cho mẹ con cô này một căn hộ chung cư sang trọng để mình có thể qua lại dễ dàng.
Nhưng sợ mình ăn “quả lừa” như nhiều ông khác, ông mang con đi xét nghiệm. Lần đầu ông bảo ôsin cắt móng tay con mang đi, kết quả xét nghiệm “không phải cha con”. Ông sợ ôsin sơ ý cắt nhầm khiến kết quả sai nên ông yêu cầu xét nghiệm lại và nhân viên trung tâm phải về tận nhà lấy mẫu của đứa bé. Lần thứ hai này, kết quả xét nghiệm cho thấy ông và đứa nhỏ vẫn không phải là cha con!
Xét nghiệm ADN của thai nhi để biết đường phá thai
Hiện nay, có nhiều khách hàng yêu cầu xét nghiệm ADN của thai nhi để biết đứa trẻ trong bụng mẹ là con ai, nếu không như ý muốn thì họ có thể “giải quyết” hậu quả từ trứng nước một cách kịp thời.
Theo bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và công nghệ di truyền, các khách hàng này hầu hết đều đi ngoại tình. Trong thời gian ngoại tình thì có thai và chính người phụ nữ cũng không biết cái thai đó là của chồng hay của người tình.
Vì thế, họ đã chọn cách này. Chỉ cần thai nhi đủ 3 tháng (đủ để nước ối của bào thai có chứa ADN đầy đủ của cháu bé) và người mẹ cần đến cơ sở y tế chọc ối, lấy khoảng 3ml nước ối là đủ cho cuộc xét nghiệm. Giá xét nghiệm ADN đối với nước ối của thai nhi bằng giá xét nghiệm ADN qua máu (tức là lấy kết quả sau 9 ngày có giá 4 triệu, sau 4 tiếng là 12 triệu).
Bà Nga kể lại: Có những trường hợp người phụ nữ đi với người tình đến xét nghiệm ADN. Cả hai tỏ ra rất lo lắng và vì sốt ruột nên thường yêu cầu làm nhanh (trong vòng 4 tiếng). Nếu kết quả đứa trẻ là con của chồng thì người phụ nữ sẽ tự tin giữ lại, nếu là con của người tình thì phải bỏ vì sớm muộn người chồng sẽ phát hiện ra. Vì luôn có “cửa phá thai” đang đợi phía sau nên ai cũng muốn làm nhanh. Nếu phải đợi thêm 9 ngày, cái thai ngày một lớn, xử lý sẽ phức tạp hơn.
“Có những cặp (là tình nhân) cầm kết quả rồi thở phào: “không phải con anh rồi nhé” rồi vui vẻ ra về. Nhưng cũng có những cặp mặt méo xệch vì “đã phòng thủ kỹ như vậy rồi mà vẫn dính”. Tôi không chắc 100% nhưng tôi đoán những trường hợp này đều chọn giải pháp phá thai để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như gia đình”, bà Nga cho biết.
Người ở nông thôn cũng đi xét nghiệm ADN
Tưởng rằng chuyện xét nghiệm ADN là chuyện của “người thành phố”, nhưng theo bà Nga, bà đã tiếp nhiều khách hàng ở các vùng nông thôn.
Lý do là vì có thể do gia đình xì xào, gây áp lực lên người vợ khi cho rằng đứa trẻ không giống ai trong dòng tộc.
Cũng có những người phát hiện vợ và ông hàng xóm “tòm tem” nên không tin đứa con sinh ra trong thời gian đó là con mình. Giải pháp họ cần dùng là phải đi xét nghiệm ADN.
Ngoài những lý do trên, xu hướng đi xét nghiệm ADN nhiều lên do ngày càng có nhiều người ở nông thôn đang muốn kết hôn với người ngoại quốc.
Theo quy định, muốn kết hôn với người ngoại quốc thì cần xét nghiệm ADN để tránh trường hợp xuất ngoại vì những lý do khác.
Hiện nay có một số trang web quảng cáo có thể phân tích ADN với giá “siêu tiết kiệm”, nhưng người dân cần hết sức thận trọng vì thực tế đã có nhiều người bị lừa vì thông tin nhập nhằng, kết quả không chính xác.