Vợ chồng tôi đã ly hôn. Tuy nhiên, gần đây tôi có căn cứ cho thấy đứa con chung duy nhất của chúng tôi hiện nay do tôi nuôi dưỡng không phải là con tôi, mà là con của cô ấy và người yêu trước. Tôi muốn giám định ADN. Liệu tôi có được thực hiện mong muốn này không? Nếu đứa trẻ không phải con ruột thì trách nhiệm của tôi trong việc nuôi dưỡng thế nào?
Độc giả xin giấu tên
Ảnh minh họa. |
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến VietNamMoi. Vấn đề này xin được đưa ra ý kiến như sau:
Khi ly hôn, bạn vẫn có quyền yêu cầu tòa án xác định cha, mẹ, con.
Việc xác định cha, mẹ được quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 như sau: Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
Khoản 2 Điều 89, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về việc xác định con như sau: “Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình”.
Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
Thẩm quyền xác định cha, mẹ, con được quy định tại điều 101 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 như sau:
Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp có yêu cầu về việc xác định cha, mẹ, con mà người có yêu cầu chết thì người thân thích của người này có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ, con cho người yêu cầu đã chết..
Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Như vậy, bạn làm đơn gửi trực tiếp đến tòa án nhân dân cấp quận (huyện) nơi bạn cư trú để giải quyết theo quy định.
Nếu sau khi tòa án xác định cháu bé không phải con bạn, bạn sẽ không có trách nhiệm phải chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con theo quy định tại Điều 69 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 bởi vì quan hệ cha – con giữa bạn và cháu bé đã chấm dứt. Bạn sẽ tiến hành trao đứa bé cho mẹ bé trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng.