Trong nhiều vụ tranh chấp thừa kế hay xác định mối quan hệ huyết thống, tòa gặp khó khăn, không thể làm rõ sự thật tới cùng bởi đương sự từ chối hợp tác, không chịu cung cấp mẫu để giám định…
Cách đây không lâu, cả tòa, VKS lẫn luật sư đều cảm thấy khó khăn khi giải quyết vụ tranh chấp phân chia di sản thừa kế giữa bà Phương và 4 bị đơn (ngụ tỉnh Bình Thuận) do không xác định được rõ ràng về nhân thân của bà.
Không nỡ quật mồ cha
Theo hồ sơ, khi người cha qua đời thì phát sinh tranh chấp về thừa kế giữa hai dòng con. Bà Phương là con dòng sau nhưng khai sinh lại không ghi tên cha. Bà khởi kiện yêu cầu TAND tỉnh Bình Thuận xác định mình có tư cách thừa kế di sản cùng bốn anh chị em cùng cha khác mẹ dòng trước. Kèm đơn khởi kiện, bà nộp cho tòa hình ảnh đám cưới của bà mà người cha làm chủ hôn, hình chịu tang cha trong tang lễ với các anh chị cùng cha khác mẹ dòng trước, hình đi viếng mộ cha…
Tại phiên sơ thẩm, ban đầu các anh em của người để lại di sản đều nhìn nhận bà là cháu ruột. Nhưng sau đó, họ lại thay đổi lời khai, bảo… không quen biết bà. Lúc này, thẩm phán chủ tọa hỏi bà. là có muốn quật mồ cha lên để giám định ADN hay không. Bà. khóc ròng, trả lời là “chẳng thà cho tòa xử thua chứ không muốn quật mồ cha lên để mang tiếng bất hiếu”.
Vì các chứng cứ mà bà cung cấp chưa đủ thuyết phục để chứng minh mối quan hệ cha con với người để lại di sản, trong khi phía bị đơn và nhân chứng thì phủ nhận nên TAND tỉnh Bình Thuận đã bác yêu cầu của bà.
Bà kháng cáo. Đến phiên phúc thẩm, bà đề nghị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM cho trưng cầu giám định ADN với phía bị đơn để làm rõ sự thật. Tòa chấp nhận và ra quyết định trưng cầu giám định. Đến lúc này, phía bị đơn từ chối hợp tác, không cho lấy mẫu (tóc, móng tay) để đi giám định. Quá thời hạn giám định, tòa đành đưa vụ án ra xử và giữ nguyên bản án sơ thẩm dù có niềm tin nội tâm rằng bà là con của người để lại di sản.
Không chịu cung cấp mẫu máu
Vụ khác, sau 10 năm tha hương ở Mỹ, năm 2003 ông Khoa quay về nước và định cư tại quận 1 (TP HCM). Cuộc sống cơm hàng cháo chợ của một người đơn thân 70 tuổi rất buồn tẻ. Rồi ông gặp chị Du, người phụ bán quán cơm gần nhà. Chị Du quê ở Tây Ninh, mới 21 tuổi, đậm người, da ngăm đen nhưng được cái thiệt tình, chăm chỉ. Nảy sinh tình cảm, hai người chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn trong một căn nhà ở đường Nguyễn Trãi.
Tháng 12/2004, mái ấm ấy đón chào một thành viên nhỏ nhưng giấy khai sinh của bé lại chỉ ghi tên mẹ mà không ghi tên cha. Bất ngờ vào tháng 10/2005, ông Khoa đột tử khi con thơ chưa tròn 10 tháng tuổi. Dự tính của chị Du là đợi ngày con tròn tuổi, ông Khoa ra phường làm thủ tục nhận con để bổ sung tên cha trong giấy khai sinh của bé đã không thể thực hiện được.
Sau đám tang ông., ba anh em của ông đã đến đòi chị Du giao giấy tờ nhà nhưng chị không đồng ý. Vì thế, ba người này đứng đơn khởi kiện chị Du ra TAND TP HCM để tranh chấp di sản thừa kế của ông Khoa.
Theo các nguyên đơn, tài sản của ông Khoa gồm một căn nhà chị Du đang ở, 100.000 USD và khoảng 760 triệu đồng ở ngân hàng (tổng giá trị tài sản là hơn 6,3 tỷ đồng). Các đồng nguyên đơn cho rằng mình là những người thừa kế thuộc hàng thứ hai theo pháp luật của ông Khoa nên phải được thừa hưởng di sản. Về phần chị Du và đứa bé, họ bảo không biết gì.
Ngược lại, chị Du khẳng định đứa trẻ là con của ông Khoa nên nó phải được hưởng trọn di sản của ông để lại.
Xử sơ thẩm, TAND TP HCM nhận định chị Du không chứng minh được đứa trẻ là con của ông Khoa. Theo tòa, lời khai của các nhân chứng là hàng xóm chứng kiến quá trình chị Du chung sống như vợ chồng với ông Khoa, đứa bé được sinh ra, nuôi nấng như thế nào hay chi tiết ngày ông Khoa mất, chị Du một tay lo đám tang cho chồng… vẫn chưa làm rõ được đứa trẻ có phải là máu mủ của ông Khoa hay không. Từ đó, tòa chấp nhận yêu cầu của các nguyên đơn, loại bỏ quyền lợi của đứa trẻ con chị Du.
Đọc hồ sơ vụ án, thẩm phán tòa phúc thẩm trăn trở: Cấp sơ thẩm có đơn giản quá chăng khi chỉ viện lý do chị Du không chứng minh được cháu bé là con của người đã mất để bác bỏ quyền lợi của cháu? Nếu đúng cháu bé là con của ông Du thì cháu đã bị mất cái mà cả về tình về lý đều phải là của cháu.
Nghiên cứu thêm, thẩm phán xác định có ba cách giám định nhằm chứng minh cháu bé có phải là con ông Khoa hay không: Thứ nhất là quật mồ người đã mất. Thứ hai là liên hệ với chính quyền ở Mỹ nhờ cung cấp mã gien của ông Khoa (nước này có hệ thống lưu trữ gien của công dân). Thứ ba là giám định máu của các nguyên đơn nhằm xác định mối quan hệ thân thuộc với cháu bé.
Trong ba cách trên, thẩm phán nhận thấy việc giám định máu của các nguyên đơn dễ thực hiện nhất. Ông gửi công văn hỏi và được Viện Pháp y trung ương cho biết hoàn toàn có thể giám định cho ra kết quả chính xác dựa trên huyết thống dòng cha. Về phía chị Du, dù khó khăn nhưng chị vẫn chấp nhận thanh toán gần 11 triệu đồng chi phí giám định. Thế nhưng phía nguyên đơn lại không chịu hợp tác. Vì vậy, cuối năm 2012, tòa phúc thẩm đã quyết định hủy án sơ thẩm để làm rõ sự thật, để có được bản án thật sự thuyết phục.
Đến nay, TAND TP HCM vẫn chưa thể đưa vụ việc của mẹ con chị Du ra xét xử lại vì chưa thực hiện được việc giám định máu của phía nguyên đơn. Hiện tòa vẫn đang phải tích cực vận động, thuyết phục phía nguyên đơn cung cấp mẫu máu để thực hiện việc giám định nhằm làm sáng tỏ sự thật như yêu cầu của cấp phúc thẩm.
Một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP HCM cho biết: Trong án dân sự, hiện không có quy định bắt buộc đương sự phải cung cấp mẫu giám định, cũng không có quy định cho phép tòa ra lệnh cưỡng chế nếu đương sự không hợp tác. Vì vậy, dù khâu giám định bế tắc khiến việc giải quyết án gặp khó khăn, bị kéo dài, tòa cũng không biết phải làm sao. “Ngâm” vụ án mãi cũng không được mà đưa ra tuyên án thì áy náy vì sự thật chưa được làm rõ.
Theo Kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Phó Viện trưởng Viện phúc thẩm III VKSND Tối cao), trong án dân sự, ngoài quyền, đương sự còn có nghĩa vụ. Do đó, cần bổ sung chế định bắt buộc đương sự phải hợp tác với cơ quan tố tụng trong việc giám định nhằm làm rõ sự thật của vụ án.
Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP HCM) cũng cho rằng để khắc phục triệt để tình trạng này thì Bộ luật tố tụng dân sự và các văn bản liên quan nên quy định khi tòa trưng cầu giám định, nếu bên nào cố tình không chấp hành, không hợp tác thì sẽ gặp bất lợi khi tòa đánh giá chứng cứ.
Theo luật sư, hiện nay có Nghị định số 60 ngày 23/7/2009 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tư pháp. Trong đó, mục 5 của nghị định quy định về hành vi vi phạm hành chính và hình thức xử phạt trong hoạt động giám định tư pháp mà đối tượng chịu trách nhiệm thi hành là giám định viên tư pháp trong quá trình thực hiện việc giám định. Không có bất kỳ điều khoản nào quy định, chế tài xử phạt đối với đương sự tham gia tố tụng.
Theo Pháp luật TP HCM