Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp

1
Thực hiện Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp;Quyết định số 549/QĐ-UBND ngày 13/4/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn về việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” tỉnh Lạng Sơn;Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 24/01/2011 của UBND tỉnh về triển khai Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2015, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 258 của tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CHỈ ĐẠO
1. Mục đích
Chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 24/01/2011 của UBND tỉnh và các văn bản hướng dẫn liên quan trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
2. Yêu cầu
Xác định rõ những công việc cụ thể của Đề án, thời hạn hoàn thành; phân công rõ nhiệm vụ tới từng thành viên của Ban chỉ đạo và các Sở, ngành liên quan.
Thành viên Ban chỉ đạo cần chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Sở, Ngành mình chỉ đạo và tổ chức thực hiện Đề án; phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành được giao phụ trách để triển khai, thực hiện Kế hoạch theo Quyết định này.
II. NỘI DUNG CHỈ ĐẠO VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN
1. Củng cố, kiện toàn hoạt động của Ban chỉ đạo; tăng cường vai trò của Ban chỉ đạo trong việc chỉ đạo các Sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
          Giao cho Sở Tư pháp – Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo có trách nhiệm kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Chỉ đạo theo quy định.
2. Hoàn thiện hệ thống tổ chức giám định tư pháp
Kiện toàn, củng cố về tổ chức, hoạt động của các Tổ chức giám định tư pháp; phát triển số lượng giám định viên tư pháp và thành lập Trung tâm pháp y tâm thần tỉnh khi Bệnh viên thâm thần tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động. Cụ thể:
a) Trung tâm Pháp y tỉnh: Giao cho Sở Y tế thực hiện việc củng cố, kiện toàn, hoàn thiện hệ thống tổ chức, bộ máy của Trung tâm pháp y tỉnh, gồm: Lãnh đạo Trung tâm và các bộ phận giúp việc; bố trí biên chế đến năm 2015 có từ 15 biên chế trở lên, trong đó có từ 03 giám định viên pháp y trở lên.
b) Phòng Kỹ thuật hình sự: Giao cho Công an tỉnh thực hiện việc củng cố, kiện toàn, hoàn thiện hệ thống tổ chức, bộ máy và nguồn nhân lực của Phòng kỹ thuật hình sự đến năm 2015 có từ 15 biên chế trở lên, trong đó có từ 10 giám định viên và 02 Bác sỹ pháp y trở lên.
c) Trung tâm pháp y tâm thần tỉnh
Giao cho Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Y tế trình UBND tỉnh  Quyết định thành lập Trung tâm pháp y tâm thần tỉnh khi Bệnh viện tâm thần của tỉnh được xây dựng và đi vào hoạt động.
Giao cho Sở Y tế chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan bố trí các điều kiện, cơ sở vật chất, con người và đội ngũ giám định viên pháp y tâm thần cho hoạt động của Trung tâm này theo quy định.
3. Xây dựng và củng cố phát triển đội ngũ giám định tư pháp theo vụ việc
a) Đối với các Sở hiện nay đã có đội ngũ giám định tư pháp theo vụ việc
Giao cho các Sở tiếp tục kiện toàn lại đội ngũ giám định tư pháp hiện có; lập danh sách người đủ điều kiện, tiêu chuẩn và phối hợp với Sở Tư pháp để đề nghị công bố danh sách người làm giám định tư pháp theo vụ việc của Sở mình đến năm 2015, cụ thể:
– Sở Tài chính có từ 04 giám định tư pháp theo vụ việc trở lên của lĩnh vực chuyên ngành như: Vốn đầu tư; Tài chính doanh nghiệp; Giá và Tài sản.
– Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có từ 04 giám định tư pháp theo vụ việc trở lên của lĩnh vực như: Bản quyền tác giả, quyền liên quan; cổ vật (Di tích, Bảo tàng); Du lịch; Mỹ thuật; Âm nhạc.
– Giao Sở Khoa học và Công nghệ có từ 02 đến 04 giám định tư pháp theo vụ việc trở lên của lĩnh vực chuyên ngành như: Sở hữu trí tuệ, Khoa học, an toàn bức xạ, sở hữu công nghiệp, đề tài, dự án, đo lường chất lượng.
– Giao Sở Y tế có từ 07 đến 08 giám định tư pháp theo vụ việc trở lên của các lĩnh vực thuộc ngành quản lý.
b) Phát triển đội ngũ giám định tư pháp theo vụ việc để đáp ứng yêu cầu trưng cầu giám định tư pháp của cơ quan tiến hành Tố tụng trên địa bàn.
Giao cho Sở Tư pháp phối hợp với các Sở: Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi Trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, rà soát và lập danh sách người đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đề nghị công bố danh sách người làm giám định tư pháp theo vụ việc theo quy định đến năm 2015, cụ thể:
– Sở Thông tin và Truyền thông có từ 02 giám định tư pháp theo vụ việc trở lên của lĩnh vực như: Báo chí, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin…
– Sở Xây dựng có từ 02 giám định tư pháp theo vụ việc trở lên của lĩnh vực như: Xây dựng, kiến trúc; hạ tầng; vật liệu xây dựng …
– Sở Giao thông vận tải có từ 02 giám định tư pháp theo vụ việc trở lên của lĩnh vực như: Đường bộ, đường thủy nội địa, vận tải…
– Sở Tài nguyên và Môi trường có từ 02 giám định tư pháp theo vụ việc trở lên của lĩnh vực như: Đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản…
– Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có từ 02 giám định tư pháp theo vụ việc trở lên của lĩnh vực như: Giống cây trồng, vật nuôi; lâm sản …
4. Tăng cường và đảm bảo từng bước cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc giám định của các tổ chức giám định tư pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc tại các Sở chuyên môn, quản lý về lĩnh vực giám định tư pháp.
a) Trung tâm Pháp y tỉnh: Giao cho Sở Y tế có phương án đầu tư trụ sở làm việc đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ theo quy định và các các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động giám định của Trung tâm pháp y tỉnh đến năm 2015 như: 01 ô tô 7 chỗ ngồi; La bô giải phẫu bệnh hoàn chỉnh; Máy đo nồng độ Alcool trong máu, Máy đo nồng độ Ma túy trong máu, nước tiểu, Máy xét nghiệm HIV/AIDS; 03 tủ lạnh bảo bảo tử thi.
b) Phòng Kỹ thuật hình sự: Giao cho Công an tỉnh xem xét đến năm 2015, có phương án bố trí thêm 03 phòng làm việc (hóa nghiệm, kho lưu trữ, tiếp dân, trực ban) và đầu tư trang thiết bị làm việc cho Phòng Kỹ thuật hình sự như: 02 Kính hiển vi, 01 bàn chụp mẫu vật, 01 máy cất nước hai lần, 01 máy siêu âm hòa tan mẫu, 01 máy li tâm, 01 máy chiết shaker, 01 voter hòa tan mẫu, 01 cân phân tích điện tử, 04 máy vi tính, 01 phương tiện thu đầu đạn bắn thực nghiệm, 01 tủ lạnh, 01 xe khám nghiệm.
c) Người giám định tư pháp theo vụ việc: Giao cho các Sở có đội ngũ giám định tư pháp theo vụ việc bố trí phòng làm việc, phòng lưu trữ, trang thiết bị liên quan để Người giám định tư pháp theo vụ việc của Sở mình thực hiện việc giám định, khi có yêu cầu trưng cầu giám định của cơ quan tố tụng theo quy định.
5. Tiếp tục quán triệt Đề án và các văn bản pháp luật về giám định tư pháp để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh về vị trí, vai trò của công tác giám định tư pháp.
Giao cho Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật các nội dung Đề án và các văn bản pháp luật về giám định tư pháp tới toàn thể nhân dân trên địa bàn.
Giao Công an tỉnh phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật về giám định tư pháp cho đội ngũ điều tra viên thuộc ngành mình.
Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật về giám định tư pháp cho đội ngũ kiểm sát viên và cán bộ làm công tác kiểm sát.
Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật về giám định tư pháp cho đội ngũ thẩm phán và cán bộ làm công tác xét xử.
6. Kiện toàn và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Giao cho Sở Tư pháp chủ trì tiến hành củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức làm công tác quản lý nhà nước về công tác giám định của Sở Tư pháp.
Giao cho các Sở, ngành chuyên môn quản lý về lĩnh vực giám định bố trí cán bộ, công chức có trình độ, chuyên môn để tham mưu, giúp theo dõi, quản lý và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho Tổ chức giám định tư pháp và đội ngũ giám định tư pháp thuộc Sở, ngành quản lý.
7. Tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai, thực hiện Đề án theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ; đôn đốc, kiểm tra các thành viên Ban chỉ đạo trong việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao, được phân công phụ trách, chỉ đạo.
Giao cho Sở Tư pháp – Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo có trách nhiệm tham mưu hàng năm.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các thành viên Ban chỉ đạo theo nhiệm vụ được phân công, có trách nhiệm tổ chức thực hiện Kế hoạch này, đồng thời tham mưu cho Lãnh đạo Sở, ngành mình thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này.
2. Các Sở, ngành được giao nhiệm vụ, chỉ tiêu tại Kế hoạch này, có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc và đảm bảo đúng lộ trình đề ra.
3. Kinh phí thực hiện Kế hoạch
Sở Tư pháp có trách nhiệm lập dự toán kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo và kinh phí thực hiện nhiệm vụ của Sở được phân công theo Kế hoạch.
Các Sở, ngành có tổ chức giám định tư pháp hoặc có người giám định tư pháp theo vụ việc, chủ động dự trù kinh phí để phục vụ cho hoạt động giám định tư pháp của Sở, ngành theo các nhiệm vụ được phân công của Kế hoạch này.
Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm xem xét dự toán kinh phí do các Sở, ngành lập, trình UBND tỉnh quyết định.
4. Thường trực theo dõi việc thực hiện Kế hoạch
Sở Tư pháp là cơ quan thường trực, đầu mối giúp Ban chỉ đạo, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai, theo dõi và đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch theo quy định.
Trong quá trình thực hiện Kế hoạch này nếu có vướng mắc, đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo; các Sở, ngành liên quan, gửi văn bản phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Trưởng ban xem xét, quyết định./.