Luật sư Văn phòng luật sư Dragon – Đặt chân lên đến mỏ đá D3 mới thấy hết được sự tàn khốc của thiên nhiên. Đêm trước khi xảy vụ sạt lở núi trời mưa rất to, cả một nửa quả núi với hàng triệu khối đất đá đã sạt lở hoàn toàn, các nạn nhân bị vùi sâu hàng trăm mét.
Đã hơn ba năm trôi qua, công trình Thủy điện Bản Vẽ (thuộc xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) đã phát những Kw điện đầu tiên hòa vào lưới điện quốc gia, nhưng những giám định viên thuộc Viện Pháp y quốc gia vẫn chưa thể quên vụ tai nạn thảm khốc làm 18 người thiệt mạng vì sạt lở núi tại mỏ D3 công trình này. Đó là dấu ấn những cái chết thương tâm, về sự bất cẩn trong lao động và sự thiếu chuẩn bị đối phó với thảm họa thiên tai…
Lực lượng cứu hộ cứu nạn đang đào bới để tìm kiếm các nạn nhân
10 giờ 15 ngày 15-7-2007, vụ sạt lở núi kinh hoàng tại mỏ đá D3 Thủy điện Bản Vẽ, đã vùi lấp 18 công nhân, kỹ sư đang làm việc tại công trường. Nhận nhiệm vụ, các giám định viên Viện Pháp y quốc gia lên đường lúc 11 giờ trưa ngày 16-7. Đến Nghệ An trời đã chạng vạng tối, chỉ kịp ăn qua loa rồi họp khẩn với Ban chỉ đạo tìm kiếm cứu hộ cứu nạn. Sau khi tiếp nhận thêm hai giám định viên của Pháp y Nghệ An, đoàn bác sĩ tiếp tục lên đường vào rừng để kịp ngày mai giám định các nạn nhân.
Đặt chân lên đến mỏ đá D3 mới thấy hết được sự tàn khốc của thiên nhiên. Đêm trước khi xảy vụ sạt lở núi trời mưa rất to, cả một nửa quả núi với hàng triệu khối đất đá đã sạt lở hoàn toàn, các nạn nhân bị vùi sâu hàng trăm mét. Hàng chục xe cẩu loại lớn đang hối hả múc những khối đất đá lớn, những người làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ và cả các công nhân đang hối hả đào bới với hy vọng ai đó còn sống sót. Việc tìm kiếm diễn ra rất khó khăn, hàng trăm con người và máy móc làm việc cật lực suốt ngày đêm. Ngay cả các chú chó nghiệp vụ của đồn Biên phòng tỉnh Nghệ An cũng được huy động để tham gia việc tìm kiếm. Khi phát hiện thấy mùi lạ, lập tức các chú chó lao đến lấy chân đào bới rồi sủa vang để mách bảo…
Phía ngoài, cách khu mỏ vài cây số là lán dựng tạm để thân nhân những người bị nạn lưu trú chờ tin từ đội cứu hộ tìm kiếm. Thi thoảng lại có tiếng khóc, tiếng rền rỉ thảng thốt của những người mẹ, người vợ tìm chồng, con… khiến cho đội tìm kiếm cứu nạn càng dốc hết sức lực đào bới, tìm kiếm, dù chỉ có hy vọng mong manh.
2. Việc đào bới, tìm kiếm đã khó khăn, và giám định, nhận dạng cũng vất vả không kém. Ngày thứ năm từ khi xảy ra vụ sạt lở núi, cũng là lúc nạn nhân thứ tám được tìm thấy.
Các Giám định viên pháp y xác định là Hoàng Anh Vũ, SN 1978, là thợ khoan, quê Phú Thọ. Lúc này, tử thi đang trong tình trạng phân hủy, nhiều bộ phận trong cơ thể đã dập nát, không còn nguyên vẹn nên khó nhận dạng. Song song với công tác tìm kiếm, các bác sĩ đã tiến hành lấy mẫu máu của thân nhân những người bị nạn có mặt tại công trường để làm các xét nghiệm xác định danh tính nạn nhân.
Nhưng một trong số 18 nạn nhân bị nạn hôm đó chỉ có người thân duy nhất là bố mẹ, nhưng họ đều đã già yếu không đến được. Các giám định viên đã phải về tận quê nạn nhân cách gần hai trăm cây số để lấy mẫu xét nghiệm.
Điều mà giám định viên Nguyễn Hường Dũng không thể quên là khi tìm thấy các nạn nhân và đưa về nhà xác dã chiến để nhận dạng thì hầu như thân thể không còn nguyên vẹn, có người di thể còn rất ít. Trong nhật ký làm việc của mình, ông viết “… tử thi chỉ còn là một khối dập nát, mặc áo bảo hộ màu vàng; tay trái đeo một chiếc nhẫn có khắc hai chữ “K-H”.
Kiểm tra tử thi thấy thiếu một phần chân trái, nhưng may mắn trùng khớp với mẫu chân tìm thấy ngày hôm trước”. Qua nhận dạng và làm các xét nghiệm xác định được nạn nhân là Nguyễn Đức Khôi, quê Hải Dương, chiếc nhẫn được người thân xác nhận là nhẫn cưới của vợ chồng anh, có khắc hai chữ K-H, là “Khôi –Hậu”…
Và còn nhiều nữa những nạn nhân sau khi tìm thấy thi thể cũng không còn nguyên vẹn, trộn lẫn với đất đá núi rất thương tâm. Việc nhận dạng các nạn nhân không dễ, bởi sự tàn phá của tai nạn đã xóa đi hầu hết các dấu vết trên cơ thể, có người chỉ còn là những nắm đất. Nên ngoài những xét nghiệm AND, các giám định viên còn phải dùng đến các phương pháp loại trừ, khoanh vùng phân loại khu vực nào, thuộc địa phận những ai làm việc, để xác định được chính xác và nhanh chóng hơn.
Ngày thứ 10, công việc tìm kiếm diễn ra cấp tập hơn trên công trường dù trải qua một thời gian khá dài, ai cũng mệt mỏi. Chờ bên ngoài phía khu nhà xác dã chiến để khi có tín hiệu tìm thấy nạn nhân là vào để tiến hành nhận dạng, các cán bộ của Viện pháp y quốc gia dường như không ai có được phút giây thư thả dù việc tìm thấy mỗi nạn nhân không hề ngắn.
Có những lúc họ vừa kịp ngồi xuống mâm cơm thì có tín hiệu tìm thấy nạn nhân lại vội lên xe vào rừng để giám định. Nạn nhân hôm đó là kỹ sư Nguyễn Thế Sơn, thuộc Ban quản lý thủy điện II, anh gặp nạn khi đang tiến hành kiểm tra giám sát thi công. Trên người anh lúc tìm thấy còn nguyên cả máy ảnh, điện thoại và một số vật dụng mang theo tác nghiệp. Hoàn tất việc giám định cũng đã gần 12 giờ đêm…
Sáng hôm sau đó, xác một kỹ sư nữa được tìm thấy, đó là kỹ sư khai thác mỏ Nguyễn Văn Trực, thuộc Xí nghiệp Sông Đà 208-Cty CP Sông Đà II, quê Thanh Hóa. Thân thể anh Trực còn tương đối nguyên vẹn. Trong túi quần còn số tiền năm triệu đồng, được các đồng nghiệp xác nhận trước lúc bị nạn anh có vay của một người quen, định gửi về quê cho vợ xây nhà. Và rồi anh đã không kịp làm điều đó…
Ngày thứ 14, kết thúc công việc tìm kiếm, các giám định viên lên đường trở về Hà Nội. Bác sĩ Nguyễn Hường Dũng vẫn băn khoăn, qua vụ sạt lở núi cho thấy công tác đối phó với thiên tai, thảm họa của chúng ta còn chưa tốt, thiết bị lạc hậu và hầu như không có. Lực lượng tìm kiếm, cứu hộ cũng chưa được tập huấn kỹ về công tác này.
Theo bác sĩ Dũng, ngoài việc dự báo tình hình thì việc chuẩn bị đối phó với thảm họa là vô cùng quan trọng. Chẳng hạn, đối với những vùng làm việc có nguy cơ bị thảm họa cao, những môi trường đặc biệt, thì người lao động phải được đeo thẻ để tránh nhầm lẫn. Ngoài ra, cơ quan Pháp y ở địa phương hoặc Trung ương phải là thành viên trong Ban tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ địa phương, với vai trò tham mưu và đưa ra những phương án tác nghiệp kịp thời, còn hiện nay, Pháp y như là một biện pháp tình thế, khi cần trưng cầu mới gọi đến.
(Ghi theo lời kể của BS Nguyễn Hường Dũng, Viện Pháp y Quốc gia)
P.Thảo – M.Thoa (PL&XH)
Công ty luật Dragon