Gần nửa đêm, Nancy Lyon vẫn không thể yên giấc, cơn đau bụng quặn thắt và buồn nôn hành hạ chị trong nhiều giờ.
Đêm ngày 9/1/1991, Nancy được chồng Richard Lyon đưa tới bệnh viện thành phố Dallas, bang Texas trong tình trạng nôn mửa và đau bụng liên tục. Nancy nói vài tháng trước thấy chai rượu vang được gói ghém cẩn thận để trước cửa nhà nên nghĩ là quà tân gia từ hàng xóm. Tối hôm đó vừa uống rượu thì Nancy bị nôn mửa và đau bụng. Từ đó tới nay, sức khỏe Nancy cứ thế đi xuống.
Bác sĩ gửi mẫu máu và nước tiểu của Nancy đi xét nghiệm nhưng không thấy có gì bất thường. Tình trạng của Nancy cứ thế xấu dần tới lúc hôn mê, nội tạng ngưng hoạt động. Ngày 14/1/1991, cô chết khi 37 tuổi. Vì nguyên nhân cái chết bất thường, bác sĩ báo tin cho cảnh sát.
Nancy là con gái của gia đình giàu có và có nhiều mối quan hệ trong bang. Dù không được “môn đăng hộ đối”, Nancy lấy Richard sau khi hai người gặp nhau tại Trường Thiết kế Harvard, có hai con chung.
Giám định viên không thấy dấu hiệu bệnh tật trong nội tạng, nhưng xét nghiệm độc chất cho thấy lượng lớn asen trong máu. Nguyên nhân tử vong được kết luận là do trúng độc asen, hay còn gọi là “thạch tín”.
Với kết quả này, cảnh sát nhận định có hai giả thuyết: Nancy tự hại mình hoặc bị hại. Cảnh sát thấy một vài bằng chứng ủng hộ giả thuyết tự hại, ví dụ cô bị trầm cảm trong năm qua sau khi phát hiện chồng ngoại tình; thậm chí từng ly thân trong thời gian ngắn. Nếu vậy, Nancy có thể tự làm mình ốm để thu hút sự chú ý của chồng. Giả thuyết này cũng phù hợp với việc móng tay của Nancy có lượng asen lớn gấp 5 lần ở móng chân, chi tiết gợi ý rằng Nancy đã trực tiếp chạm vào chất này.
Tuy nhiên, giả thuyết Nancy tự hại cuối cùng bị loại bỏ vì cái chết từ từ bằng asen kéo dài và rất đau đớn. Nancy rất thương yêu hai con gái nên không có lý do làm vậy. Ngoài ra, từ lúc nhập viện tới lúc chết, Nancy vẫn còn tỉnh táo nên hoàn toàn có thể nói sự thật với bác sĩ.
Cảnh sát chuyển sang xem xét những người có động cơ giết người, qua đó phát hiện Nancy sắp phải làm chứng chống lại cấp trên trước đây trong phiên tòa về tội Biển thủ công quỹ. Nancy từng kể với bạn bè rằng cảm thấy không thoải mái vì nhận được tờ giấy đe dọa “đừng nhúng tay vào hoặc cô và gia đình sẽ bị trừng phạt”. Tuy vậy, manh mối này mau chóng đi đến ngõ cụt vì cảnh sát không thể xác định được chủ nhân tờ giấy.
Trong cuốn nhật ký cá nhân trong phòng của Nancy, cảnh sát để ý thấy Nancy cáo buộc bị anh trai xâm hại tình dục khi còn nhỏ tuổi. Nancy viết rất sợ anh trai vì người này khó kiểm soát hành vi. Như vậy, anh Nancy có thể là đối tượng tình nghi.
Bị hỏi về chuyện này, anh trai Nancy phản đối kịch liệt và nói không biết tại sao em gái viết như vậy. Anh trai và cả gia đình bên ngoại đều hướng mũi nhọn nghi ngờ tới Richard, chồng Nancy, và nói ông ta ngoại tình. Đặc biệt, bố Nancy khai rằng Richard gần đây sống rất “vật chất”, tiêu số tiền lớn cho bạn gái nên Nancy đã xóa tên chồng khỏi tên chủ tài khoản ngân hàng.
Tuy vậy, cảnh sát không tìm thấy chứng cứ liên kết Richard với vụ đầu độc. Hành xử của Richard cho tới khi ấy vẫn được nhận định là bình thường sau khi vợ chết. Ngoài ra, một số bạn bè và hàng xóm cho biết sau một thời gian, Richard có vẻ đã hối hận và xin quay về để “bắt đầu lại” với Nancy. Cảnh sát thấy rằng cả Richard và anh trai Nancy đều có khả năng tiếp cận và hạ độc nên chưa thể loại bỏ bất cứ ai.
Nhà chức trách yêu cầu giám định viên pháp y xác định thời điểm nạn nhân bị đầu độc. Để làm điều này, giám định viên bắt đầu từ tóc nạn nhân vì biết rằng asen khi vào cơ thể sẽ tích tụ ở nang tóc. Khi tóc mọc dài, sợi tóc vẫn mang dư chất asen nhưng độ nhiều ít phụ thuộc vào thời gian đã qua.
Giám định viên cắt tóc của Nancy thành nhiều đoạn có độ dài 7 mm, mỗi đoạn tương ứng với hai tuần phát triển. Bằng phương pháp đo phổ gamma tự nhiên, giám định viên xác định Nancy đã uống liều nhỏ asen mỗi tuần trong bốn tháng trước khi chết. Liều lượng asen tăng dần theo thời gian và tăng đột biến trong bốn tuần trước khi Nancy chết.
Nhận kết quả giám định, điều tra viên thấy thật trùng hợp vì bốn tháng trước cũng là thời điểm Richard trở về nhà sống chung với Nancy sau thời gian ngắn hai người ly thân. Nghi ngờ của điều tra viên đổ dồn vào Richard.
Dò hỏi kỹ hơn về quan hệ vợ chồng, điều tra viên được biết khi còn chung nhóm tại Harvard, Richard và Nancy từng cố luyện cho chữ viết hai người giống nhau để Nancy có thể viết bài nghiên cứu thay cho Richard. Phát hiện này làm giảm phần xác thực của những trang nhật ký cáo buộc anh trai Nancy có hành vi xâm hại.
Để xác định ai là chủ nhân những lời cáo buộc, cảnh sát gửi cuốn nhật ký đi giám định chữ viết. Chuyên gia giám định chữ viết đầu tiên xem xét mẫu chữ viết tay đã biết của cả Richard và Nancy để tìm điểm khác biệt.
Qua xem xét, chuyên gia nhận định chữ viết của hai người đa phần giống nhau nhưng vẫn có một số điểm khác biệt. Ví dụ, Nancy có thói quen dùng ký tự “&” trong văn bản, cứ cách khoảng 5-6 dòng ký tự này sẽ xuất hiện một lần, trong khi Richard luôn viết chữ “và”.
Cách hai người viết “I” cũng khác nhau, Nancy thường gạch ngang ở đầu và chân chữ “I”, trong khi chữ của Richard thường chỉ là nét dọc duy nhất. Phần chân của chữ “f” thường, Nancy thường viết theo chiều ngược kim đồng hồ, trong khi Richard viết theo chiều kim đồng hồ.
Bằng những quan sát trên, chuyên gia xem xét lại cuốn nhật ký, từ đó nhận định nội dung cáo buộc anh trai lạm dụng trong nhật ký thực tế là chữ viết tay của Richard. Từ đây, cảnh sát nhận định Richard là nghi can số một.
Trước cáo buộc giết người, Richard trình hóa đơn mua asen, cùng ba loại chất độc khác có chữ ký xác nhận của Nancy để chứng minh ý định tự sát của vợ.
Chuyên viên giám định chữ viết không thể xác nhận chữ ký trên hóa đơn có phải của Nancy hay không. Tuy nhiên, khi cảnh sát tìm gặp công ty bán hóa chất, nơi này khẳng định đây là hóa đơn khống, không phải loại cấp cho khách hàng.
Tiếp tục điều tra, cảnh sát phát hiện địa chỉ số thuốc asen được chuyển tới hộp thư tại bưu cục đứng tên Richard. Điều này càng khiến hành động của Richard khả nghi vì nếu mọi việc chính đáng, tại sao không chuyển thuốc thẳng tới nhà hoặc chỗ làm.
Lúc này, bác sĩ điều trị cho Nancy trong những ngày cuối đời cũng ra làm chứng. Trước khi chết, Nancy có kể vài tháng trước được Richard đưa thuốc con nhộng cho uống nói là vitamin tốt cho sức khỏe.
Với tình tiết này, cảnh sát tới nhà thu giữ toàn bộ viên thuốc tại đây và đưa đi giám định. Kết quả cho thấy đa số thuốc là vitamin, nhưng hai viên trong đó chứa bari cacbonat – chất độc thường được dùng để sản xuất thủy tinh.
Công tố viên cáo buộc Richard muốn sống với bạn gái và thụ hưởng 500.000 USD tiền bảo hiểm nhân thọ của vợ nên đã bỏ độc vào chai rượu vang, gói ghém cẩn thận để trước cửa nhà. Khi thấy không thành công, Richard giả vờ muốn quay lại với vợ nhưng thực tế đã lên kế hoạch giết người.
Ban đầu, Richard cho bari cacbonat vào vitamin nhưng không thành công nên chuyển sang dùng asen và bỏ độc vào thức ăn, khiến Nancy có dấu hiệu đặc trưng như nôn mửa, đau bụng. Để che giấu hành vi, người chồng cố ý giả chữ ký vợ trên hóa đơn mua chất độc, đồng thời viết thêm vào nhật ký để đổ tội cho anh vợ.
Ra tòa vào tháng 12/1991, Richard không nhận tội và vẫn khẳng định vợ tự sát.
Lập luận của Richard không thuyết phục được bồi thẩm đoàn. Ông ta cuối cùng bị kết tội Giết người cấp độ I, lãnh án chung thân. Đơn kháng cáo của Richard bị bác bỏ vào năm 1994.
Quốc Đạt (Theo Texas Monthly, Leagle)