Đề xuất không đưa ADN vào dữ liệu căn cước công dân

0

Đại diện Bộ Y tế cho rằng việc giám định gen cho 90 triệu công dân, mỗi người tốn chi phí tới 40 – 50 triệu đồng không phải là con số nhỏ trong khi đem lại rất ít giá trị.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp thứ hai của Ban chỉ đạo đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020 (gọi tắt là đề án 896) vào ngày 11/2.

Tại phiên họp, góp ý về quy định thu thập kết quả giám định gen (ADN) của công dân trong dự thảo Luật căn cước công dân mà Bộ Công an đang xây dựng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng việc giám định gen cho 90 triệu công dân, mỗi người tốn chi phí tới 40 – 50 triệu đồng không phải là con số nhỏ trong khi đem lại rất ít giá trị, mà đã đưa vào luật thì sẽ phải thực hiện.

Trao đổi thêm với PV về nội dung này, Thứ trưởng Tiến cho rằng nếu việc thu thập xét nghiệm ADN cần thiết thì tốn kém cũng phải cố, nhưng thực tế hiện nay kết quả này không đem lại nhiều giá trị, do đó quy định thu thập kết quả giám định ADN sẽ không khả thi. Trong khi việc xét nghiệm một số chỉ số liên quan tới máu rất cần thiết nhưng lại chưa được đưa vào dự thảo luật.

“Theo tôi, nên đề nghị bổ sung quy định xét nghiệm yếu tố Rh (Rh là một cách phân loại nhóm máu, cũng giống như hệ nhóm máu ABO, hệ nhóm máu Rh có 2 nhóm máu là Rh+ và Rh-) và nhóm máu vào dự thảo luật. Trước đây người Việt Nam phần lớn là Rh+, nhưng hiện nay do kết hôn với người nước ngoài, có một thế hệ công dân mới có thể có Rh-, nếu không may các công dân đó có biến cố sức khỏe phải đi bệnh viện cấp cứu, chưa có xét nghiệm mà truyền máu của người Rh+ cho người Rh- là rất nguy hiểm. Việc xác định nhóm máu cũng rất có ý nghĩa trong những thời điểm cấp cứu người bị nạn, cần truyền hoặc cho máu”, ông Tiến nói.

Nguồn : Tuổi trẻ